- Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai
- Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp trong trường đại học công lập: Một số vấn đề thảo luận trong quá trình vận dụng
- Nguyên tắc thận trọng trong kế toán từ các góc nhìn
- Đổi mới hệ thống quy định kế toán trong ngân hàng thương mại đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế
- Làm rõ hơn quy trình thực hiện mua bán, sáp nhập doanh nghiệp có vốn Nhà nước ở Việt Nam
Chất lượng lợi nhuận kế toán trong các nghiên cứu thực chứng
Bài viết trình bày các quan điểm Chất lượng lợi nhuận kế toán của các nhà nghiên cứu trên thế giới và các tiêu chí đánh giá chất lượng lợi nhuận kế toán, xem xét các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận kế toán. Bên cạnh đó, bài viết đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng lợi nhuận kế toán của các doanh nghiệp.
Quan điểm về Chất lượng lợi nhuận kế toán
Theo Dechow và cộng sự (2010), chất lượng lợi nhuận là khái niệm trừu tượng, đa chiều và không thể đo lường một cách trực tiếp. Quan điểm này về cơ bản cũng thống nhất với quan điểm của các chuyên gia phân tích - đây là một trong những đối tượng sử dụng thông tin quan trọng và cũng là người truyền tải thông tin cho nhà đầu tư, cổ đông và các chủ nợ (Barker và Imam, 2008).
Ismail và Binti (2011) cho rằng, chất lượng thu nhập được căn cứ dựa trên quan điểm hữu ích của thông tin về việc ra quyết định, khái niệm về chất lượng lợi nhuận được xác định khác nhau bởi những đối tượng sử dụng báo cáo tài chính (BCTC) khác nhau. Dechow và Schrand (2004) đưa ra nhận định các nhà phân tích xem xét lợi nhuận có chất lượng cao khi thể hiện được hiệu quả hoạt động hiện tại của công ty, là chỉ báo tốt về hiệu suất hoạt động trong tương lai nhằm đánh giá được giá trị doanh nghiệp (DN). Nhà phân tích tài chính cũng đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty, đánh giá lợi nhuận hiện tại cho thấy, hiệu quả hoạt động của tương lai, xác định giá trị thị trường của cổ phiếu phản ánh giá trị nội tại hay không. Các nhà đầu tư cũng có những mục tiêu tương tự. Mặt khác, dưới góc độ chủ nợ, ủy ban lương thưởng (compensation committees) thì xem xét chất lượng lợi nhuận trên cơ sở thu nhập có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền và phản ánh hiệu suất của nhà quản lý. Người sử dụng BCTC cho rằng chất lượng lợi nhuận là “sự vắng mặt của quản trị lợi nhuận” (absence of earnings management).
Theo Schipper và Vincent (2003) nhà quản lý có thể có xu hướng quản trị lợi nhuận vì một số lý do như: liên quan đến áp lực từ thị trường, bồi thường, các khoản thưởng, các hợp đồng vay hoặc cho vay... điều này sẽ dẫn tới chất lượng lợi nhuận thấp.
Dechow và Schrand (2004) khi thu nhập phù hợp với tinh thần và tuân thủ các nguyên tắc kế toán được thừa nhận rộng rãi thì chúng có chất lượng cao trong mắt các nhà quản lý. Thu nhập sẽ không bị gian lận và cho thấy một sự trung thực và hợp lý về tình hình tài chính của DN. Về góc độ người ban hành luật, chất lượng lợi nhuận được quan tâm dựa trên hiệu quả của các tiêu chuẩn được ban hành. Chất lượng lợi nhuận theo Hicksian cũng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm như (Hodge, 2003), Schipper và Vincent (2003), các nhà nghiên cứu đều cho rằng: “mức độ báo cáo sự trung thực của lợi nhuận có nghĩa là sự tương ứng hoặc sự đồng ý về cách thức đo lường hoặc miêu tả với thực tế mà nó phản ánh”. Chất lượng lợi nhuận được đo dựa vào sự tương quan của nó với “lợi nhuận thực - true earnings” mà không quan tâm đến các quy tắc kế toán được thừa nhận hay việc thực hiện các quy tắc. Tuy nhiên, quan điểm lợi nhuận của Hicksian rất khó đánh giá trong thực tế bởi lợi nhuận thực tế không thể quan sát được.
Yee (2006) thì lại cho rằng, chất lượng lợi nhuận phụ thuộc vào “thu nhập cơ bản” và “thu nhập báo cáo”. Chất lượng lợi nhuận được đánh giá dựa trên khả năng thu nhập báo cáo có khả năng tiết lộ thu nhập cơ bản một cách nhanh chóng và chính xác. Chất lượng lợi nhuận cao khi thu nhập báo cáo chính xác và kịp thời phản ánh được những cú sốc về mặt giá trị hiện tại của cổ tức dự kiến trong tương lai.
Có thể thấy, rất nhiều quan điểm về Chất lượng lợi nhuận được đưa ra trong các nghiên cứu thực chứng. Bài viết thống nhất với quan điểm của Dechow và cộng sự (2010) rằng: “Chất lượng lợi nhuận cao hơn khi cung cấp thông tin nhiều hơn về đặc điểm tình hình tài chính và phù hợp hơn cho các quyết định kinh tế khác nhau được đưa ra bởi các chủ thể khác nhau”.
Tiêu chí đánh giá chất lượng lợi nhuận kế toán
Nhiều nhà nghiên cứu đã phát triển rất nhiều tiêu chí cũng như các biến và thang đo gắn với từng tiêu chí để đánh giá về chất lượng lợi nhuận. Việc lựa chọn tiêu chí nào để đo lường chất lượng lợi nhuận cần dựa vào bối cảnh nghiên cứu. Để có cái nhìn toàn diện, cũng như làm căn cứ để lựa chọn các tiêu chí đánh giá về chất lượng lợi nhuận. Bài viết đi vào phân tích các tiêu chí đã được tổng hợp trong những nghiên cứu khá đầy đủ về vấn đề này. Tổng luận của Schipper và Vincent (2003), Quan điểm của Francis và cộng sự (2004), Tổng luận của Dechow và cộng sự (2010), các nghiên cứu dữ liệu đa quốc gia theo cách tiếp cận của Barth và cộng sự (2012), Leuz và cộng sự (2003).
Theo quan điểm Francis và cộng sự (2004), tổng kết từ các nghiên cứu trước và đưa ra 7 tiêu chí đánh giá chất lượng lợi nhuận, và phân thành 2 nhóm khác nhau dựa vào việc nhà nghiên cứu đứng trên các góc độ khác nhau gồm: tiêu chí dựa trên số liệu kế toán và tiêu chí gắn với thị trường. Trong đó, dựa vào tiêu chí kế toán bao gồm: chất lượng các khoản dồn tích, tính bền vững của lợi nhuận, khả năng dự báo của lợi nhuận và sự ổn định của lợi nhuận. Dựa vào tiêu chí thị trường gồm: Giá trị thích hợp, tính kịp thời, tính thận trọng. Cách phân chia của Francis và cộng sự (2004) làm rõ nguồn số liệu dùng để đánh giá chất lượng lợi nhuận, nhưng không phân biệt được rõ ràng hai khía cạnh là mức độ trung thực và sự hữu ích của lợi nhuận.
Theo quan điểm Schipper và Vincent (2003), tác giả phân chia các tiêu chí đánh giá chất lượng lợi nhuận vào bốn nhóm: Nhóm các tiêu chí được xây dựng từ những đặc điểm chuỗi thời gian của lợi nhuận (gồm tính bền vững, khả năng dự báo, sự biến thiên của lợi nhuận); Nhóm tiêu chí đánh giá chất lượng lợi nhuận thông qua mối quan hệ giữa lợi nhuận, các khoản dồn tích và luồng tiền (gồm: tăng giảm trong tổng các khoản dồn tích, khoản dồn tích bất thường, mối quan hệ giữa tổng dồn tích và luồng tiền); Nhóm tiêu chí phát triển từ quan điểm của FASB (tính hữu ích của thông tin như so sánh được, có thể kiểm chứng, sự kịp thời, có thể hiểu được; tính thích hợp và trình bày trung thực), Tuy nhiên, khi nghiên cứu rất khó bóc tách được các nhân tố này, Nhóm tiêu chí phát triển phân tích từ các quyết định thực hành nghề nghiệp (căn cứ vào chuyên môn, động cơ của kiểm toán viên và những người lập báo cáo). Bài viết của Mohammady (2010) đã tổng hợp và phân nhóm khá đầy đủ các tiêu chí đánh giá chất lượng lợi nhuận. Tuy nhiên, theo Mohammady (2010) và Hermanns (2006) khi tổng kết các tiêu chí đánh giá chất lượng lợi nhuận đã loại bỏ nhóm tiêu chí theo FASB, vì khung khái niệm của Hội đồng chuẩn mực Kế toán Mỹ chỉ áp dụng cho các DN Mỹ. Theo cách phân loại này thì vai trò của nhà đầu tư, của thị trường còn khá mờ nhạt so với cách tiếp cận của Francis và cộng sự (2004).
Dechow và cộng sự (2010) phát triển từ hai quan điểm trên, với tập hợp trên 300 bài nghiên cứu về chất lượng lợi nhuận khác và đưa ra 2 nhóm: Phân tích các đặc điểm của thông tin lợi nhuận báo cáo (gồm: sự bền vững của lợi nhuận, các khoản hạch toán dồn tích bất thường, sự ổn định của lợi nhuận, ghi nhận lỗ một cách kịp thời, điều chỉnh lợi nhuận báo cáo để đạt được các mục tiêu nhất định); Nhóm các tiêu chí đo lường phản ứng của nhà đầu tư trước thông tin lợi nhuận (căn cứ vào tính hữu ích của lợi nhuận công bố). Ngoài ra, bài viết còn bổ sung thêm một nhóm tiêu chí về các chỉ số bên ngoài về việc báo cáo lợi nhuận sai như việc phải công bố lại thông tin về lợi nhuận, báo cáo điều tra của cơ quan quản lý -restatement, báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ... Theo cách phân loại này của Dechow và cộng sự (2010), vai trò của nhà đầu tư và thị trường đã rõ nét. Cách phân loại cũng ngắn gọn và xúc tích hơn Francis và cộng sự (2004). Tuy nhiên, nhóm điều chỉnh lợi nhuận thì không được rõ nét so với Francis và cộng sự (2004).
Các quan điểm phân chia tiêu chuẩn khác nhau do sự khác biệt về góc nhìn của nhà nghiên cứu. Về bản chất các thuộc tính của lợi nhuận vẫn bao gồm bảy thuộc tính cơ bản theo quan điểm của Francis và cộng sự (2004), ngoài ra có thêm nhóm tiêu chí phát triển gần đây là nghiên cứu các chỉ số bên ngoài về báo cáo lợi nhuận sai - đây là nhóm tiêu chí Dechow và cộng sự (2010) bổ sung thêm. Nhìn chung, thu nhập được xem là có chất lượng cao khi thu nhập có tính bền vững cao, có khả năng dự báo, ít biến động, kịp thời hơn, có mức quản trị lợi nhuận thấp hơn hoặc chất lượng dồn tích cao hơn.
Nhân tố ảnh hưởng đến Chất lượng lợi nhuận kế toán
P.Dehow và cộng sự (2010) đã tổng kết trên 300 bài nghiên cứu, từ đó đưa ra sáu nhóm nhân tố tác động đến chất lượng lợi nhuận kế toán: Đặc điểm DN; hoạt động lập BCTC; hoạt động quản trị và kiểm soát; kiểm toán viên; tác động của thị trường vốn và các nhân tố bên ngoài.
(1) Đặc điểm DN
Trong nhóm đặc điểm DN: các nhân tố hiệu quả hoạt động; tỷ lệ nợ; tỷ lệ tăng trưởng và đầu tư; quy mô DN được nhiều nghiên cứu đưa vào như Lev (1983).
Hiệu quả hoạt động: các nhà nghiên cứu cho rằng, các hãng có hiệu quả hoạt động kém có xu hương cải thiện thu nhập và vì vậy chất lượng lợi nhuận sẽ giảm đi. Đặc biệt khi hiệu quả hoạt động thấp cũng khuyến khích các nhà quản trị điều chỉnh lợi nhuận. Khác với các nhà nghiên cứu khác. Francis và cộng sự (1996) không tìm thấy mối liên hệ giữa hiệu suất hoạt động kém và các nghiệp vụ điều chỉnh cuối kỳ. Còn DeAngelo và cộng sự (1994) lại đề suất việc hiệu quả hoạt động kém kéo dài sẽ hạn chế cơ hội quản trị lợi nhuận trong DN.
Tỷ lệ Nợ: Theo Watts và Zimmerman (1986) đòn bẩy tài chính cao có thể có hành động tăng thu nhập hoặc thao túng BCTC, các hoạt động sẽ làm giảm chất lượng lợi nhuận cho các quyết định khác.
Tăng trưởng và đầu tư của các công ty: Các nhà nghiên cứu như Penman và Zhang (2002) đưa ra nhận định khi tăng trưởng được đo lường theo mức tăng trưởng doanh, cho thấy DN có mức tăng trưởng cao, có tính bền vững của lợi nhuận thấp hơn.
Quy mô DN: các nghiên cứu đều cho thấy có mối quan hệ giữa quy mô DN và các đo lường lợi nhuận. Tuy nhiên, mối quan hệ này không giống nhau giữa các tiêu chí đo. Kết quả các nghiên cứu phụ thuộc nhiều vào bản chất việc lựa chọn các phương pháp kế toán, cách lấy mẫu nghiên cứu.
Các nghiên cứu về chất lượng lợi nhuận ở trên đều xem xét đặc điểm DN là yếu tố quyết định chất lượng lợi nhuận.
(2) Hoạt động lập BCTC
Các nhà nghiên cứu đưa ra dự đoán: Phương pháp kế toán bao gồm các nguyên tắc kế toán được thừa nhận rộng rãi hoặc các ước tính kế toán; Phân loại BCTC và các báo cáo thời điểm các quý; các nguyên tắc dựa trên quy tắc cơ bản đều ảnh hưởng đến chất lượng thu nhập.
(3) Quản trị và kiểm soát
Các nghiên cứu về mối quan hệ đặc điểm của Hội đồng quản trị và Kiểm soát nội bộ cho thấy cơ chế kiểm soát nội bộ hạn chế cơ hội quản trị lợi nhuận, trong khi quyền sở hữu cổ phần của nhà quản lý và các khoản bồi thường có xu hướng ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận vì tác động đến quản trị lợi nhuận. Kết quả ảnh hưởng, nhìn chung có khá nhiều quan điểm trái chiều.
(4) Kiểm toán viên
Kiểm toán viên là một yếu tố quyết định Chất lượng lợi nhuận vì vai trò của họ trong việc giám sát những sai sót có chủ ý và không có chủ ý. Các nhân tố chủ yếu được nghiên cứu là phí kiểm toán, trình độ chuyên môn của kiểm toán viên, nhiệm kỳ của Kiểm toán viên, quy mô kiểm toán viên.
(5) Ưu đãi từ thị trường vốn
Các ưu đãi thị trường vốn ảnh hưởng đến các lựa chọn kế toán, từ đó trở thành nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận. Các nhân tố được xem xét gồm: thời điểm DN tăng vốn điều lệ; các ưu đãi có được khi đạt được lợi nhuận mục tiêu.
(6) Các yếu tố bên ngoài
Các yếu tố như yêu cầu về vốn như điều khoản vay từ ngân hàng và bảo hiểm, quy định chính trị, quy định về chính sách thuế và chính sách khác, các yếu tố liên quan đến lựa chọn kế toán. Nhiều nghiên cứu về các yêu tố bên ngoài đo lường chất lượng lợi nhuận bằng đo lường các khoản tùy ý. Nhiều nghiên cứu tập trung xem xét các yếu tố vĩ mô có tương quan với các khuyến khích quản trị lợi nhuận từ đó ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận.
Nói tóm lại, việc nhận diện các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận là rất cần thiết, để từ đó giúp cho nhà quản lý, nhà đầu tư, ủy ban Chứng khoán, ngân hàng, các cơ quan ban ngành có liên quan có cái nhìn khách quan về chất lượng lợi nhuận kế toán của các DN, đưa ra các biện pháp kịp thời trong việc quản lý, nhằm nâng cao chất lượng lợi nhuận kế toán của các DN trên thị trường chứng khoán.
Kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng lợi nhuận kế toán
Chất lượng lợi nhuận kế toán là thước đo quan trọng mà người sử dụng quan tâm trước khi đưa ra các quyết định kinh tế. Việc đi sâu nghiên cứu bản chất của khái niệm, xem xét các tiêu chí đánh giá cũng như các nhân tố ảnh hưởng có vai trò quan trọng nhằm nâng cao chất lượng lợi nhuận kế toán trong điều kiện thực tế.
ủy ban Chứng khoán, các nhà nghiên cứu cần sớm nghiên cứu một tiêu chí chung để đánh giá chất lượng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Nghiên cứu các nhân tố tác động đến chất lượng lợi nhuận kế toán, trên cơ sở đó tập trung xây dựng các chính sách, quy định có liên quan nhằm nâng cao, giám sát chất lượng thông tin, chất lượng báo cáo, chất lượng lợi nhuận kế toán của các DN niêm yết. Đưa ra các quy định chặt chẽ về các công ty kiểm toán khi tiến hành kiểm toán các DN.
Các DN cần có chế tài trong quản lý, kiểm soát các hoạt động của công ty, xây dựng và đảm bảo quản trị công ty phát huy hết vai trò của nó nhằm bảo vệ nhà đầu tư cũng như tăng cường vai trò kiểm soát nội bộ của các phòng ban chức năng, các thủ tục kiểm soát hiệu quả. Tăng cường vai trò của Hội đồng quản trị, các quy định công bố thông tin bên trong đơn vị.
Nâng cao chất lượng của người làm kế toán cũng như vấn đề đạo đức nghề nghiệp người làm kế toán phải được Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam quan tâm, sát sao, thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, giám sát nghiệp vụ.
Về các quy định trong quá trình lập và công bố BCTC cần được Bộ Tài chính thường xuyên cập nhật và hướng tới BCTC cần được trình bày theo những nguyên tắc, những chuẩn mực chung thống nhất mà mọi quốc gia đều hiểu. Việc soạn thảo và công bố Hệ thống chuẩn mực quốc tế về BCTC IFRS là cần thiết, nhằm tiến tới áp dụng IFRS một cách phù hợp với thể chế và trình độ phát triển kinh tế, trình độ nghề nghiệp của người làm nghề kế toán ở Việt Nam./.
Tài liệu tham khảo
1. Barker Richard và Shahed Imam (2008), Analysts perceptions of earnings quality, Tạp chíAccounting and Business Research, Số 38 (4), Trang: 313-329.
2. Dechow Patricia M và Catherine M Schrand (2004), Earnings quality.
3. Francis Jennifer, Ryan LaFond, Per M Olsson và Katherine Schipper (2004), Costs of equity and earnings attributes, Tạp chíThe Accounting Review, Số 79 (4), Trang: 967-1010.
4. Hermanns Séverine (2006), Financial information and earnings quality: A literature review.
5. Hodge Frank D (2003), Investors' perceptions of earnings quality, auditor independence, and the usefulness of audited financial information, Tạp chíAccounting horizons, Số 17, Trang: 37.
6. Mohammady Ahmad (2010), Earnings quality constructs and measures.
Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA)Ths.Nguyễn Thị Diệu Thúy * Khoa Kinh tế - Đại học Vinh