Các yếu tố tác động đến chất lượng hoạt động kiểm toán độc lập


Khác với các sản phẩm của nghề nghiệp khác, chất lượng sản phẩm kiểm toán không dễ dàng quan sát hay kiểm tra. Để đạt được chất lượng, sản phẩm của kiểm toán trước hết phải thỏa mãn các đối tượng sử dụng. Tuy nhiên, đối tượng sử dụng sản phẩm kiểm toán khá rộng. Khởi nguồn cơ bản và sâu xa của sự ra đời nghề nghiệp kiểm toán, là sự xung đột quyền lợi giữa người cung cấp và người sử dụng thông tin tài chính. Trong giai đoạn phôi thai, kiểm toán ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi của người chủ sở hữu và phát hiện gian lận và sai sót của người quản lý, đối tượng sử dụng kết quả kiểm toán chính là chủ sở hữu.

Trong giai đoạn phát triển và giai đoạn hiện đại, người sử dụng kết quả kiểm toán không chỉ là nhà đầu tư, mà còn là nhà quản lý, các bên thứ ba có liên quan. Dù đối tượng kiểm toán khá rộng, tuy nhiên có thể chia thành hai nhóm chính: (i) Nhóm người quản lý và (ii) Nhóm cổ đông và bên thứ ba. Đối với các công ty không phải là công ty đại chúng, nhóm người sử dụng chủ yếu kết quả kiểm toán là các cổ đông và người quản lý. Đối với các công ty cổ phần, đặc biệt là đại chúng, nhóm người sử dụng chủ yếu là ngoài cổ đông, người quản lý còn có bên thứ ba có liên quan trong xã hội. Do BCTC của các công ty đại chúng (đặc biệt là công ty niêm yết) có ảnh hưởng đến nhóm người rộng rãi trong xã hội nên phần lớn các quốc gia trên thế giới đều yêu cầu các công ty đại chúng đều cần kiểm toán, trong khi các công ty còn lại có thể là tự nguyện. Nói cách khác, nhóm đối tượng quan trọng mà kiểm toán hướng đến chính là xã hội, công chúng. Đánh giá CLKT là điều cần thiết đối với công chúng. Và việc đánh giá chất lượng dựa vào các yếu tố bao gồm:

Một là, Quy mô công ty kiểm toán

Quy mô công ty kiểm toán (CTKT) là một trong những chỉ tiêu thường được sử dụng như là chỉ tiêu tiêu biểu nhất cho CLKT.

Vào cuối thập niên 1970, có rất nhiều người chỉ trích quan điểm cho rằng, các công ty kiểm toán lớn thì luôn có chất lượng tốt hơn CTKT nhỏ. Họ cho rằng, CLKT của các công ty nhỏ và công ty lớn đều như nhau. Để giải quyết vấn đề này, DeAngelo (1981) đã tiến hành các phân tích về sự ảnh hưởng của quy mô kiểm toán đến CLKT và kết luận rằng, các công ty kiểm toán quy mô lớn thường có chất lượng được đánh giá (bởi thị trường) cao hơn các công ty kiểm toán quy mô nhỏ.

Theo DeAngelo, công ty kiểm toán nào có càng nhiều khách hàng (số lượng khách hàng là một trong những chỉ tiêu đánh giá quy mô của CTKT) thì càng có khả năng bị mất càng nhiều “biên độ tăng thêm” trong trường hợp những sai phạm của KTV bị phát hiện. Như vậy, quy mô (số lượng khách hàng) của công ty kiểm toán càng lớn thì họ càng bị áp lực kinh tế buộc phải duy trì và nâng cao CLKT. Xét trên hai khía cạnh liên quan đến uy tín và trách nhiệm pháp lý của CTKT có thể thấy rằng, công ty kiểm toán quy mô càng lớn thì có khuynh hướng cung cấp chất lượng dịch vụ càng cao hơn.

Hai là, Mức độ chuyên sâu từng lĩnh vực kiểm toán (chuyên ngành)

Mức độ chuyên ngành là một chỉ số của CLKT, bởi vì các KTV am hiểu sâu lĩnh vực chuyên ngành sẽ có khả năng đánh giá được tính hợp lý trong ước tính kế toán và việc trình bày, công bố thông tin tài chính và trong từng ngành sản xuất, kinh doanh hay dịch vụ khác nhau luôn có những vấn đề rủi ro kiểm toán đặc trưng ẩn chứa trong nó. Để chuyên môn hóa trong một lĩnh vực ngành nghề cụ thể thì các công ty kiểm toán thường đầu tư vào công nghệ, kỹ thuật, phương tiện vật chất, nhân sự và hệ thống kiểm soát chất lượng để nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành mà mình chuyên sâu.

Các nghiên cứu của Dopuch và Simunic (1980, 1982) về mức độ chuyên sâu trong lĩnh vực chuyên môn đều sử dụng tỷ số giữa tổng giá phí kiểm toán của các dịch vụ chuyên sâu mà công ty kiểm toán thực hiện trong lĩnh vực này, so với tổng phí kiểm toán của tất cả các công kiểm toán trong cùng một lĩnh vực như là một thang đo về CLKT theo từng lĩnh vực. Cùng với quan điểm trên, một số nghiên cứu khác cũng cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa tính chuyên môn hóa với thuộc tính chất lượng. Do vậy, yếu tố tính chuyên ngành có thể được xem là yếu tố tác động và là thang đo cho CLKT.

Ba là, Nhiệm kỳ của KTV

Với các vụ gian lận lớn và phá sản gần đây của các doanh nghiệp trong đó có lỗi của CTKT, thì vấn đề mối quan hệ giữa khách hàng và công ty kiểm toán ngày càng được nghiên cứu nhiều hơn. Mọi người bắt đầu quan tâm đến áp lực duy trì khách hàng kiểm toán và “mức độ thân thiện” giữa KTV với ban lãnh đạo doanh nghiệp (trong trường hợp KTV thực hiện kiểm toán nhiều năm liền) sẽ tạo ảnh hưởng ngược đến CLKT. Từ đó, đã bắt đầu xuất hiện các quy định bắt buộc luân phiên thay đổi công ty kiểm toán như là một biện pháp để nâng cao CLKT. Quy định này nhằm giới hạn nhiệm kỳ KTV vì mối quan hệ giữa KTV và khách hàng càng mật thiết thì sẽ làm ảnh hưởng xấu đến CLKT (do sự kiện Enron /Arthur Andersen, nhiều kiến nghị liên quan đến giới hạn nhiệm kỳ KTV và thực hiện việc luân phiên thay đổi KTV để bảo vệ nhà đầu tư). Ví dụ như trong Đạo luật SOX 2002, KTV sẽ không được xem là độc lập nếu họ thực hiện kiểm toán cho cùng một khách hàng trong bốn năm.

Nhiệm kỳ KTV càng dài thì CLKT càng giảm bởi lẽ nó làm gia tăng sự phụ thuộc của KTV vào Ban giám đốc của khách hàng. Sự thân mật của KTV đối với khách hàng sẽ làm KTV không duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp đúng mức và do vậy làm giảm tính khách quan của KTV. Ngoài ra, KTV có thể cảm thấy nhàm chán và xem việc kiểm toán như là một sự bắt chước đơn giản của các hợp đồng kiểm toán trước nên KTV sẽ ít chú tâm đến cuộc kiểm toán. Nhiệm kỳ KTV càng dài thì tính độc lập của KTV sẽ càng giảm và thậm chí có thể dẫn đến việc, KTV hỗ trợ khách hàng tích cực hơn trong việc áp dụng các lựa chọn kế toán mà những chính sách kế toán này không phù hợp CMKT. Điều này có thể đưa đến kết quả là, không phát hiện các gian lận hoặc sai sót trọng yếu. Do vậy, việc quy định bắt buộc về giới hạn nhiệm kỳ KTV được xem là biện pháp cải thiện CLKT bằng cách giảm sự ảnh hưởng của khách hàng lên KTV.

Bốn là, Giá phí kiểm toán

Một số nhà nghiên cứu cho rằng việc hạ thấp chi phí (đặc biệt giá phí của cuộc kiểm toán năm đầu tiên thấp hơn dưới mức chi phí bỏ ra) sẽ ảnh hưởng đến CLKT. Hạ thấp chi phí (lowballing) có thể dẫn đến quỹ thời gian và chi phí dự trù cho cuộc kiểm toán bị hạ thấp và điều này tạo nên áp lực và khó khăn cho KTV trong việc phát hiện các sai phạm trọng yếu do sợ bị mất khách hàng. DeAngelo (1981) đã thiết lập mô hình phí kiểm toán năm đầu tiên (chi phí khởi động kiểm toán - start-up cost) với chi phí phát sinh liên quan đến việc thay đổi công ty kiểm toán của doanh nghiệp được kiểm toán.

Mô hình này cho thấy, một công ty kiểm toán đương nhiệm có thể định ra giá phí kiểm toán dưới mức chi phí thực tế bỏ ra trong năm đầu tiên và sẽ thu được lợi nhuận tăng thêm trong tương lai do thực hiện hợp đồng kiểm toán này. Ngoài ra, nhu cầu có được sự giảm giá cho năm đầu tiên để có được lợi nhuận tăng thêm trong tương lai tạo ra mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với khách hàng. Từ các mối quan hệ đó, DeAngelo đã đưa ra mối liên hệ giữa chi phí kiểm toán và mối quan hệ kinh tế với khách hàng. Mối quan hệ kinh tế này có thể làm giảm tính độc lập của KTV và khi giảm tính độc lập sẽ làm suy giảm CLKT. Do vậy, phí kiểm toán sẽ tác động đến CLKT là ý kiến được nhiều nhà kinh tế ủng hộ (việc giảm phí kiểm toán thường đưa đến giảm CLKT).

Năm là, Phạm vi của dịch vụ phi kiểm toán cung cấp

Việc cung cấp dịch vụ phi kiểm toán một cách chuyên nghiệp, làm gia tăng tổng giá trị của cả gói dịch vụ mà CTKT cung cấp cho đối tượng được kiểm toán. Tuy nhiên, giá trị gia tăng này lại làm giảm sự cân bằng đối trọng trong mối quan hệ giữa khách hàng và công ty kiểm toán. Vì vậy, công ty kiểm toán có cung cấp dịch vụ phi kiểm toán sẽ bị mất cân bằng trong mối quan hệ giữa khách hàng và CTKT. Đồng thời, mối quan hệ kinh tế giữa công ty kiểm toán và khách hàng có thể gia tăng, do sự kết hợp cung cấp dịch vụ phi kiểm toán với dịch vụ kiểm toán. Và điều này khiến cho công ty kiểm toán nhượng bộ khách hàng khi có sự bất đồng ý kiến giữa CTKT và khách hàng để nhằm giữ được khách hàng. Simunic (1984), Beck và các cộng sự (1988) đã phân tích rằng sự cung cấp dịch vụ phi kiểm toán có thể gia tăng mối quan hệ kinh tế giữa KTV và khách hàng. Nếu mối quan hệ này càng chặt chẽ thì tính khách quan của CTKT bị tổn hại. Công ty kiểm toán có thể thu được lợi ích nhiều hơn, để bù đắp mức độ rủi ro cao hơn so với trường hợp họ không có cơ hội cung cấp dịch vụ phi kiểm toán và như vậy có thể đối mặt với nguy cơ làm tổn hại tính khách quan.

Xét về mặt lý thuyết, công ty kiểm toán phải độc lập cả về hình thức lẫn tư tưởng. Do dịch vụ phi kiểm toán làm giảm tính độc lập nên nó sẽ làm giảm CLKT và chất lượng của BCTC. Như vậy, tương tự như nhiệm kỳ của KTV thì phạm vi của dịch vụ phi kiểm toán được cung cấp là một đại diện tỷ lệ nghịch của CLKT./.

Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – Bài của Trần Khánh Lâm (PhD, CPA Aus, CPA Vn, FCMA, CGMA)

Xem thêm
Bàn về một số thay đổi trong quy định hiện hành liên quan đến kế toán giao dịch cổ phiếu

Bàn về một số thay đổi trong quy định hiện hành liên quan đến kế toán giao dịch cổ phiếu

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống Kiểm soát Nội bộ tại các Tập đoàn kinh tế ở các nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho VN

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống Kiểm soát Nội bộ tại các Tập đoàn kinh tế ở các nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho VN

Môi trường pháp lý về dịch vụ kiểm toán độc lập ở Việt Nam

Môi trường pháp lý về dịch vụ kiểm toán độc lập ở Việt Nam

Phương pháp hạch toán chi phí sản xuất kinh doanh dở dang trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC

Phương pháp hạch toán chi phí sản xuất kinh doanh dở dang trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC

Vận dụng kế toán trách nhiệm vào công tác quản trị doanh nghiệp

Vận dụng kế toán trách nhiệm vào công tác quản trị doanh nghiệp

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh