- Vấn đề lợi ích và thành quả trong việc vận dụng kế toán quản trị (MAPS) tại doanh nghiệp Việt Nam
- Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai
- Kiến nghị giải pháp hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại các tổng công ty xây dựng công trình giao thông của Việt Nam
- Tổng quan về nghiên cứu hành vi quản trị lợi nhuận trong lĩnh vực kế toán
- Sự phù hợp khi ghi nhận doanh thu, chi phí từ phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng
Các yếu tố ảnh hưởng đến việc giảng dạy kế toán theo cách tiếp cận chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)
Bài viết của TS. Nguyễn Phúc Sinh * Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán số tháng 11/2022 của TW Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam.
Tóm tắt
Tính đến 30/03/2020, có trên 150 quốc gia trên thế giới đã thực hiện IFRS với mức độ áp dụng khác nhau, bao gồm áp dụng toàn phần, hội tụ từng phần hay theo hướng tiệm cận (IFRS Foundation, 2020). Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới trong việc hội tụ hệ thống kế toán quốc gia với IFRS. Sự thay đổi khung pháp lý kế toán, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy kế toán cho sinh viên tại bậc đại học. Vì vậy, việc tham khảo và đúc rút kinh nghiệm đổi mới phương pháp giảng dạy của các quốc gia đã thực hiện IFRS là cần thiết, khi nó cung cấp cái nhìn cụ thể hơn về cách thức mà họ đã thực hiện, cũng như những khó khăn gặp phải trong lộ trình hội tụ của giáo dục kế toán.
Từ khóa: IFRS, phương pháp giảng dạy kế toán theo nguyên tắc, hội tụ kế toán.
Abstract
As of March 30, 2020, more than 150 countries around the world have implemented IFRS with varying degrees of adoption including full adoption, partial convergence or asymptotic (IFRS Foundation, 2020). Vietnam is also not out of the common trend of countries around the world in converging the national accounting system with IFRS. The change of the accounting legal framework will directly affect the accounting curriculum and teaching methods for students at the university level. Therefore, it is necessary to consult and learn from the experience of innovating teaching methods of the countries that have implemented IFRS because it gives a more specific view of how they have done as well as the difficulties in the convergence of accounting education.
Keywords: IFRS, teaching accounting by principle and convention, accounting convergence.
JEL: M40, M49, I22.
Việc chuyển đổi áp dụng IFRS của các quốc gia EU - Góc nhìn từ phương pháp giảng dạy kế toán
Hiện nay, việc áp dụng IFRS là bắt buộc đối với báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất của các công ty niêm yết, các công ty chưa niêm yết và các công ty vừa và nhỏ vẫn áp dụng các nguyên tắc kế toán thừa nhận chung của một số quốc gia thuộc châu Âu. Tuy nhiên, việc giảng dạy kế toán tại quốc gia này phải chuyển đổi hoàn toàn sang IFRS, do sự thay đổi mạnh mẽ về các đặc điểm của sinh viên tại châu Âu, được thể hiện trên ba khía cạnh: (1) nghề nghiệp trong tương lai; (2) cơ cấu sinh viên; và (3) chương trình học liên thông giữa các quốc gia thuộc khối EU. Trong suốt quá trình chuyển đổi, các cơ sở đào tạo thực hiện giảng dạy chủ yếu các nguyên tắc kế toán chấp nhận chung ở EU và thực hiện một vài so sánh với IFRS. Sự chuyển đổi hoàn toàn nội dung giảng dạy sang IFRS chỉ được tiến hành cho đến tháng 9/2009.
Về nghề nghiệp trong tương lai: theo kết quả nghiên cứu của Carole Bonnier và cộng sự (2013) tại ESCP Europe (trường chuyên ngành kinh doanh của châu Âu), sinh viên sau khi tốt nghiệp chủ yếu làm việc cho các công ty lớn - thường là các công ty niêm yết có sử dụng IFRS trong việc lập và trình bày BCTC. Nếu giảng viên chỉ giảng dạy các nguyên tắc kế toán chấp nhận chung, sẽ làm giới hạn giá trị của sinh viên. Kết quả là, sinh viên sẽ không thể hiểu được các BCTC của công ty mà họ sẽ làm việc trong tương lai.
Về cơ cấu sinh viên: xu hướng quốc tế hóa giáo dục khiến cơ cấu sinh viên tại các quốc gia thay đổi. Cụ thể, các sinh viên theo học không chỉ bao gồm những người có Quốc tịch Pháp, mà còn đến từ các nước còn lại thuộc khối EU và các quốc gia trên thế giới. Chính sự đa dạng trong cơ cấu sinh viên đến từ nhiều quốc gia tại các trường đại học, đã đặt áp lực lên việc thay đổi nội dung giảng dạy từ các nguyên tắc kế toán thừa nhận chung của Pháp sang IFRS.
Về chương trình học liên thông giữa các quốc gia thuộc EU: chương trình giảng dạy cho đa số sinh viên mang tính chất liên thông EU. Cụ thể, sinh viên có thể học ở ba nước châu Âu khác nhau trong chương trình ba năm, với khả năng đạt được hai đến ba bằng đại học. Do đó, việc phát triển một khóa học kế toán phù hợp với khuynh hướng quốc tế của sinh viên là một vấn đề quan trọng. Với sự thay đổi này trong chương trình học của sinh viên, việc học IFRS trở nên thích hợp đối với sinh viên mong muốn di chuyển sang các nước khác để làm việc. Theo kết quả nghiên cứu của Carole Bonnier và cộng sự (2013) tại ESCP Europe, tỷ lệ sinh viên làm việc ở nước ngoài tăng đều từ 40.27% năm 2007 lên 48.24% trong năm 2010 và dừng lại ở mức 44.41% trong năm 2011.
Sự thay đổi phương pháp giảng dạy kế toán khi vận dụng IFRS
Việc vận dụng IFRS, đã khiến cho các cơ sở đào tạo và giảng dạy kế toán phải thay đổi mục tiêu học tập, chiến lược học tập và phương pháp đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Carole Bonnier và cộng sự (2013) đã sử dụng các lớp giảng dạy nguyên lý kế toán (introductory accounting class) như một minh chứng, chứng minh về ảnh hưởng của việc vận dụng IFRS đến phương pháp giảng dạy kế toán.
Về mục tiêu học tập: với chuẩn mực kế toán được xây dựng theo khuynh hướng nguyên tắc, IFRS đòi hỏi người học phải phân tích một cách chi tiết các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, trước khi ghi nhận vào các sổ kế toán thích hợp. Thêm vào đó, việc đưa các nội dung IFRS vào môn nguyên lý kế toán buộc sinh viên phải có khả năng nhận diện và giải thích ảnh hưởng của các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, đến việc trình bày các thông tin trên BCTC và các chỉ số liên quan khi thực hiện phân tích BCTC.
Về chiến lược học tập: nhằm giúp người học nhận diện và phân tích nghiệp vụ kinh tế phát sinh khác nhau, dưới tinh thần của khuôn mẫu lý thuyết kế toán, giảng viên phải sử dụng đa dạng các tình huống nghiên cứu thực tế hoặc lý thuyết có thể được trình bày bởi các giám đốc tài chính hoặc bởi chính giảng viên. Chiến lược học tập này, giúp sinh viên có thể tiếp cận với nhiều phương pháp xử lý kế toán khác nhau trong từng tình huống cụ thể, khi áp dụng IFRS. Tuy nhiên, việc thiếu hụt các tài liệu giảng dạy đã buộc các giảng viên khoa kế toán phải độc lập xây dựng tài liệu giảng dạy, bao gồm sách giáo khoa, tình huống nghiên cứu, bài tập, nội dung slides trình chiếu… cho môn học khi chuyển đổi sang IFRS.
Về phương pháp đánh giá: trước khi chuyển đổi sang IFRS, việc ghi sổ kế toán là một trong những yêu cầu chính của bài thi cuối kỳ (chiếm 50% tổng số điểm đánh giá). Tuy nhiên, khi chuyển đổi sang IFRS, trọng số điểm dành cho yêu cầu định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh giảm xuống chỉ còn 30% và gần 50% dành cho yêu cầu về việc trình bày các thông tin lên BCTC và ảnh hưởng của các nghiệp vụ đó đối với các khoản mục trên BCTC.
Các yếu tố ảnh hưởng đến phương pháp giảng dạy kế toán theo cách tiếp cận IFRS
Một số những thách thức trong phương pháp đào tạo kế toán khi chuyển đổi từ các nguyên tắc kế toán chấp nhận chung ở các quốc gia EU sang IFRS, cụ thể bao gồm: thay đổi thái độ học tập của sinh viên, quyết định mức độ chi tiết của các chủ để được giảng dạy và việc điều chỉnh quá trình đánh giá kết quả học tập của người học.
Về việc thay đổi thái độ học tập của sinh viên: khi vận dụng IFRS, sinh viên cần sử dụng khả năng phán xét, đánh giá nghề nghiệp dựa trên các sự kiện kinh tế, tài chính phát sinh. Trong rất nhiều các tình huống nghiên cứu, sinh viên sẽ khó có thể chờ đợi một câu trả lời hoặc một giải pháp giải quyết vấn đề mang tính chuẩn hóa. Do đó, sinh viên sẽ không nhận được hoặc kỳ vọng rằng, không đưa ra một đáp án cuối cùng cho tình huống được đưa ra (phương pháp học tập lặp lại – repeat mode) mà thay vào đó, là việc chính bản thân người học phải đi tìm lời giải cho chính mình dựa trên những khái niệm cơ bản (phương pháp học tập tìm kiếm – find mode). Tuy nhiên, nhóm tác giả cũng nhấn mạnh rằng, việc chuyển đổi thái độ học tập từ lặp lại sang tìm kiếm là khá khó khăn, đối với các sinh viên năm nhất khi theo học các lớp nguyên lý kế toán. Bởi lẽ, những sinh viên này vẫn bị ảnh hưởng bởi phương pháp học tập lặp lại và hơn hết là, cảm giác không quen thuộc đối với khái niệm căn bản về kinh tế, tài chính… trong IFRS.
Về mức độ chi tiết của các chủ đề được giảng dạy: thời lượng dành cho môn học nguyên lý kế toán là không đủ, để giảng viên có thể trình bày hết tất cả các khái niệm một cách chi tiết cho sinh viên. Chính vấn đề này đã dẫn đến câu hỏi rằng, mức độ chi tiết các nội dung của IFRS cần được thực hiện như thế nào cho các lớp bắt đầu tiếp cận với những kiến thức nền tảng của kế toán. Carole Bonnier và cộng sự (2013) cũng nhấn mạnh rằng, việc chọn chủ đề trong IFRS có mức độ dễ và hàm chứa nhiều khái niệm quen thuộc để trình bày cho sinh viên trong lớp học nguyên lý kế toán, là một giải pháp có thể giải quyết vấn đề này.
Về việc điều chỉnh quá trình đánh giá kết quả học tập của người học: phương pháp học tập theo cách tìm kiếm (find mode) gây khó khăn cho người học trong quá trình ôn tập, để phục vụ cho các bài kiểm tra kiến thức và đồng thời tạo trở ngại cho giảng viên khi chuẩn bị đề thi đánh giá. Trong cách dạy và học truyền thống, có nghĩa trong trường hợp này là phương pháp lặp lại, sinh viên chỉ cần ghi nhớ các bút toán Nợ - Có cho các nghiệp vụ kinh tế phát sinh điển hình, cho mỗi đối tượng kế toán được học. Đồng thời, phương pháp học tập này cũng không tạo áp lực về thời gian và công sức trong việc đánh giá đối với giảng viên, vì chỉ tồn tại một phương án đúng cho mỗi câu hỏi. Tuy nhiên, đối với phương pháp tìm kiếm, sinh viên gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình học và ôn tập vì mỗi tình huống đưa ra có nhiều đáp án hoặc phương án đúng để giải quyết vấn đề. Mặt khác, phương pháp này đòi hỏi người dạy phải xây dựng đề thi với các tình huống rõ ràng và có thể được giải quyết bằng nhiều phương án khác nhau. Do đó, đáp án cho các bài kiểm tra đánh giá kiến thức của sinh viên trong môn học cần được xây dựng một cách chi tiết, kèm theo giải thích rõ ràng cho các phương án có thể xảy ra trong từng tình huống kèm theo barem điểm thành phần cho từng trường hợp. Đây cũng là những hướng tiếp cận mà Carole Bonnier và cộng sự (2013) đã đề xuất, để vượt qua thử thách này.
Kinh nghiệm cho giảng dạy kế toán Việt Nam trong bối cảnh hội tụ IFRS
Vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo, là yếu tố cốt lõi trong quá trình chuẩn mực kế toán quốc gia hội tụ với chuẩn mực kế toán quốc tế. Để chuẩn bị cho lộ trình thiết lập một ngôn ngữ chung về kế toán chung trên toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển của môi trường kinh doanh và thị trường vốn. Các cơ quan quản lý, cũng chính các trường đại học, có thể thực hiện một số kiến nghị được đề xuất dưới đây, bởi nhóm tác giả. Sau khi đúc rút từ bài học kinh nghiệm của các quốc gia EU, trong quá trình chuyển đổi sang đào tạo theo IFRS:
Về phía các cơ quan quản lý: việc chấp nhận áp dụng IFRS, cũng đồng nghĩa với việc khung pháp lý kế toán sẽ được các cơ quan quản lý xây dựng theo khuynh hướng nguyên tắc (principle-based). Do đó, khi soạn thảo chuẩn mực kế toán Việt Nam hội tụ theo IFRS, cơ quan quản lý sẽ không ban hành các thông tư hướng dẫn cụ thể như quan điểm truyền thống nữa. Thay vào đó, sẽ là các nguyên tắc chung, đòi hỏi người dạy và học phải suy luận vấn đề và áp dụng cho từng trường hợp cụ thể.
Về phía các trường đại học: nên phát động dự án để xây dựng và phát triển các tình huống nghiên cứu sử dụng trong giảng dạy kế toán khi vận dụng IFRS. Thành viên của các dự án, sẽ bao gồm các giảng viên và sinh viên sau đại học ở bậc học thạc sĩ và tiến sĩ. Các chủ đề trong IFRS, đã được phân chia thảo luận giữa các thành viên tham gia dự án. Ngoài ra, tài liệu giảng dạy và các tài liệu hỗ trợ khác như tình huống nghiên cứu, tóm tắt, bài kiểm tra và slides trình bày được phát triển để sử dụng trong các lớp học. Phương pháp học tập theo nghiên cứu tình huống là một cách tiếp cận mới trong việc đào tạo và giảng dạy kế toán khi triển khai IFRS. Đây cũng là cách mà trường đại học Sao Paolo của Brazil thực hiện, khi chuyển đổi đào tạo theo IFRS (L. Nelson Carvalho và Bruno M. Salotti, 2013).
Về phương pháp kiểm tra và đánh giá sinh viên: người dạy cần giảm tỷ trọng điểm số dành cho phần kiểm tra hạch toán kế toán và tăng tỷ trọng dành cho các nội dung thảo luận nhóm, phân tích các nghiệp vụ kinh tế phát sinh và ảnh hưởng của nó đến các khoản mục, cũng như việc trình bày các thông tin trên BCTC. Phương pháp này, giúp hạn chế tình trạng học thuộc lòng các quy định và các bút toán hạch toán cụ thể một cách máy móc, cứng nhắc. Thay vào đó, giảng viên có thể đánh giá được mức độ hiểu biết về bản chất vấn đề của sinh viên, cũng như thay đổi được phương pháp học tập từ chế độ “lặp lại” chuyển sang “tìm kiếm” như cách mà Pháp đã áp dụng trong quá trình thay đổi phương pháp giảng dạy của mình khi vận dụng IFRS.
Đồng thời, giảng viên cần cân nhắc mức độ chi tiết của IFRS khi triển khai vào các nội dung trong các môn học kế toán. Riêng đối với môn nguyên lý kế toán - môn học tiền đề trình bày những khái niệm và nội dung cơ bản của kế toán dành cho tất cả chuyên ngành kinh tế, bao gồm cả khối sinh viên chuyên ngành kế toán và không chuyên, giảng viên. Cần xem xét cụ thể mức độ chi tiết các nội dung IFRS được trình bày, để từ đó có phương pháp giảng dạy và đánh giá phù hợp.
Tài liệu tham khảo
Quốc Hội, (2015). Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015.
Bộ Tài chính, (2014). Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014. Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.
Mai Thị Hoàng Minh. (2018). Tiếp cận hệ thống chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS) và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Tạp chí Kế toán và Kiểm toán số tháng 8/2018.
Carole Bonnier, Frédéric Demerens, Christopher Hossfeld, and Anne Le Manh, 2013. A French Experience of an
IFRS Transition. Issues in Accounting Education: May 2013, Vol. 28, No. 2, pp. 221-234.
Colasse, B., 2004. L’e´volution re´cente du droit comptable. Journe´e pe´dagogique sur ‘‘L’actualite´ comptable 2004’’ organized by the French Accounting Association (AFC), September 16, ENS Cachan.
Drever, M., P. Stanton, and S. McGowan, 2007. Contemporary Issues in Accounting. New York, NY: John Wiley
& Sons.
L. Nelson Carvalho and Bruno M. Salotti, 2013. Adoption of IFRS in Brazil and the Consequences to Accounting Education. Issues in Accounting Education: May 2013, Vol. 28, No. 2, pp. 235-242.
Schroeder, R., M. Clark, and J. Cathey, 2008. Financial Accounting Theory and Analysis: Text and Cases. 9th edition. New York, NY: John Wiley & Sons.