- Sự tuân thủ Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam trong quy trình đánh giá rủi ro trong kiểm toán báo cáo tài chính - Thực trạng và giải pháp
- Kế toán dự phòng rủi ro hoạt động cho thuê tài chính ở Việt Nam
- Công cụ phái sinh nhằm kiểm soát rủi ro tài chính trong doanh nghiệp
- Kế toán các khoản thu hộ - chi hộ và hoa hồng đại lý trong dịch vụ đại lý vận tải biển
- Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán của Việt Nam
Các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức công tác kế toán doanh nghiệp trong quá trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế
|
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, để cạnh tranh được các doanh nghiệp (DN) phải tìm cho mình một hướng đi hợp lý để tồn tại và phát triển. Việc tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức công tác kế toán trong các DN là việc làm cần thiết đối với các DN hiện nay, để nâng cao hiệu quả quản lý cung cấp thông tin tài chính công khai, minh bạch tạo uy tín cho DN.
Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các DN trong nước cần tạo được ưu thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường bằng cách tính đúng, tính đủ các yếu tố đầu vào, tổ chức tốt công tác thu thập, xử lý thông tin, phân tích và cung cấp thông tin, để phục vụ yêu cầu quản lý DN. Việc công khai, minh bạch hóa thông tin tài chính DN là một trong những yêu cầu bắt buộc, chính vì thế đòi hỏi thông tin kế toán kịp thời, chính xác và có hiệu quả. Tổ chức công tác kế toán có vai trò vô cùng quan trọng, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi DN.
Xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới đòi hỏi các quốc gia phải sử dụng ngôn ngữ kế toán chung, nhằm đảm bảo thông tin có thể so sánh được trên phạm vi quốc tế. Đây là vấn đề mang tính chất quốc tế và ảnh hưởng đến lợi ích nhiều quốc gia trên thế giới. Đáp ứng xu hướng hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, Việt Nam đã và đang thiết lập hành lang pháp lý về kế toán, kiểm toán theo thông lệ các nước, nhằm nâng cao chất lượng thông tin báo cáo tài chính đáp ứng nhu cầu hội nhập. Hiện nay, Việt Nam đã ban hành 26 Chuẩn mực Kế toán, dựa trên chuẩn mực kế toán quốc tế và chế độ kế toán DN. Tuy nhiên, chế độ kế toán DN có nhiều bất cập như thụ động, thiếu tính sáng tạo và vận dụng một cách máy móc. Ngày 22/12/2016 Thông tư 200/2014/TT-BTC ra đời, thay thế QĐ15/2006, ban hành ngày 20/3/2006 về chế độ kế toán. DN đã xây dựng linh hoạt hơn, cập nhật tối đa nội dung của chuẩn mực kế toán quốc tế và tuân thủ Luật Kế toán 2015. Tuy nhiên, việc đưa thông tư mới vào áp dụng cũng đã gây không ít khó khăn cho các DN ảnh hưởng đến tổ chức công tác kế toán cũng như trong việc cung cấp thông tin kế toán nói riêng.
Tổ chức công tác kế toán trong DN chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều nhân tố. Bao gồm những nhân tố sau:
Nhân tố từ môi trường pháp lý
Môi trường pháp lý là những cơ sở pháp lý mà kế toán phải căn cứ vào đó để thực hiện công việc kế toán, đảm bảo cho hoạt động của kế toán phù hợp với những quy định của pháp luật.
Trên thực tế, tất cả mọi DN dù có quy mô lớn hay nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực Nhà nước hay tư nhân, sản xuất hay dịch vụ và dưới bất kỳ cơ chế kinh tế nào đều có cùng một quy trình kế toán căn bản giống nhau và tuân theo hệ thống pháp luật như Luật Kế toán, Chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán, Luật DN, Luật Kiểm toán, Luật Thuế. Các DN hoạt động luôn mong muốn có môi trường pháp lý hoàn thiện và ổn định, để DN có thể yên tâm đầu tư và phát triển sản xuất. Khi hệ thống pháp lý thay đổi sẽ chi phối hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức công tác kế toán trong DN.
Nhân tố ảnh hưởng từ môi trường kinh doanh
Trong điều kiện như hiện nay, khi mà nền kinh tế đang ngày càng mở rộng, các mối quan hệ nước ngoài ngày càng được nâng cao, đặc biệt là khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa thị trường theo đúng với cam kết khi ra nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì một điều chắc chắn rằng, số lượng các tập đoàn, công ty lớn trên thế giới sẽ xâm nhập vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều. Đây là cơ hội cũng đồng thời là thách thức rất lớn. Vì vậy, để có thể phát triển và chiếm lĩnh được thị trường trong nước và xuất khẩu thì việc các DN Việt Nam cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh để thay thế hàng nhập khẩu chính là một điều tất yếu.
Môi trường kinh doanh bao gồm tất cả những yếu tố như dân số, văn hóa, tự nhiên, kinh tế, chính trị - pháp luật, khoa học công nghệ, khách hàng, nhà cung ứng, đối thủ cạnh tranh, các nhà đầu tư có tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động của DN, trong đó ảnh hưởng lớn đến tổ chức công tác kế toán trong DN.
- Ảnh hưởng về giá cả thị trường, lãi suất và tiền thuế
Giá cả thị trường, giá cả sản phẩm mà DN tiêu thụ có ảnh hưởng lớn tới doanh thu, do đó cũng có ảnh hưởng lớn tới khả năng tìm kiếm lợi nhuận. Cơ cấu tài chính của DN cũng được phản ánh nếu có sự thay đổi về giá cả. Sự tăng, giảm lãi suất và giá cổ phiếu cũng ảnh hưởng tới chi phí tài chính và sự hấp dẫn của các hình thức tài trợ khác nhau. Mức lãi suất cũng là một yếu tố đo lường khả năng huy động vốn vay. Sự tăng hay giảm thuế cũng ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình kinh doanh, tới khả năng tiếp tục đầu tư hay rút khỏi đầu tư. Trước các vấn đề đó, các chuyên gia biên soạn hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cũng như chuẩn mực kế toán cần có sự xem xét và nhìn nhận lại, để đảm bảo các hệ thống văn bản đó đáp ứng được nhu cầu xử lý và cung cấp thông tin trung thực, hữu ích cho các đối tượng sử dụng thông tin.
- Sự ổn định của nền kinh tế
Sự ổn định hay không ổn định của nền kinh tế, của thị trường có ảnh hưởng trực tiếp tới mức doanh thu của DN. Từ đó, ảnh hưởng tới nhu cầu về vốn của DN, tới các khoản chi phí về đầu tư, chi phí trả lãi. Sự thay đổi của nền kinh tế là một nhân tố thúc đẩy Việt Nam nhanh chóng hoàn thiện hệ thống kế toán, để nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như thực trạng của chính các DN Việt Nam.
- Sự cạnh tranh trên thị trường và sự tiến bộ kỹ thuật, công nghệ
Sự cạnh tranh sản phẩm giữa các DN có ảnh hưởng lớn đến kinh tế, tài chính của DN và có liên quan chặt chẽ đến khả năng tài trợ để DN tồn tại và tăng trưởng trong một nền kinh tế luôn luôn biến đổi.
Sự tiến bộ kỹ thuật và công nghệ đòi hỏi DN phải ra sức cải tiến kỹ thuật, quản lý, xem xét và đánh giá lại toàn bộ tình hình tài chính, khả năng thích ứng với thị trường, từ đó đề ra những chính sách thích hợp cho DN.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi cơ bản phương thức thực hiện các công việc kế toán hiện nay bằng việc áp dụng chứng từ điện tử, bằng các phần mềm tổng hợp, xử lý dữ liệu, ghi sổ kế toán trong môi trường tin học hóa. Kế toán viên sẽ không còn mất quá nhiều công sức trong việc phân loại chứng từ, xử lý từng nghiệp vụ kinh tế riêng lẻ, ghi các loại sổ kế toán mà vấn đề quan trọng hơn là cần phải quan tâm đến việc trình bày báo cáo tài chính theo chuẩn mực.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ giúp ngành kế toán sử dụng nguồn lực của mình hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiếp cận gần hơn với hệ thống kế toán quốc tế.
Nhân tố về tổ chức bộ máy nhân sự kế toán
Trình độ kiến thức và kỹ năng kinh nghiệm của nhân viên kế toán có ảnh hưởng lớn đến tổ chức công tác kế toán trong DN, tác động không nhỏ đến việc tổ chức thu nhận và xử lý cung cấp thông tin kế toán cho nhà quản trị. Yêu cầu đối với đội ngũ nhân viên phải am hiểu về quá trình tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, linh hoạt trong việc xử lý thông tin và phối hợp tốt với các bộ phận chức năng khác trong DN sao cho hiệu quả. Nếu đội ngũ kế toán không chuyên nghiệp, trình độ không cao có thể ảnh hưởng đến công tác kế toán như thu thập thông tin không đầy đủ, phản ánh thông tin kế toán thiếu tính chính xác, không kịp thời. Ngoài ra, nếu đội ngũ kế toán có trình độ thấp thì còn ảnh hưởng đến tổ chức bộ máy kế toán như phải có nhiều nhân viên mới đảm nhận được hết các công việc của phòng kế toán, công việc kế toán không hiệu quả. Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế cũng như sự hội nhập quốc tế, trình độ chuyên môn của các cán bộ quản lý và cán bộ kế toán trong DN cũng như các đối tượng sử dụng thông tin khác được nâng cao rõ rệt, khả năng vận dụng hệ thống khuôn khổ pháp lý về kế toán trong công việc ngày càng hiệu quả hơn, nhu cầu thông tin kế toán có chất lượng ngày một cao hơn
Nhân tố về nhu cầu thông tin kế toán
Tổ chức công tác kế toán trong DN phải đáp ứng được nhu cầu thông tin kế toán của các nhà quản trị DN. Nhu cầu thông tin kế toán của một DN bao gồm các thông tin kế toán tài chính và các thông tin kế toán quản trị. Về nguyên tắc, các thông tin kế toán tài chính được cung cấp phải tuân thủ chế độ kế toán và phù hợp với Chuẩn mực kế toán. Các thông tin kế toán quản trị được cung cấp theo nhu cầu sử dụng nội bộ DN. Cả kế toán tài chính và kế toán quản trị đều đáp ứng những nhu cầu thông tin cho các đối tượng khác nhau, nhưng có quan hệ với nhau trong hoạt động quản trị DN và thực hiện các thủ tục theo chế độ quy định.
Kế toán tài chính bắt buộc DN phải tuân thủ theo quy định chung của Nhà nước, thể hiện bởi hệ thống chứng từ, sổ sách, báo cáo do Nhà nước ban hành. Nhu cầu thông tin kế toán của các đối tượng sử dụng thông tin bao gồm những thông tin về tình hình tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh và lưu chuyển tiền của một đơn vị kế toán nhất định. Do vậy, họ đều có nhu cầu được cung cấp, đọc và hiểu thông tin kế toán phản ánh tình hình kinh tế của đơn vị trên các phương diện: Tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu; Thu nhập, chi phí, kết quả hoạt động; Luồng tiền; Các thông tin chung khác.
Kế toán quản trị hình thành do nhu cầu của DN chứ không có tính bắt buộc về mặt pháp luật. Hệ thống kế toán quản trị không hoàn toàn đồng nhất giữa các DN, nó được thiết kế tùy thuộc vào đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý của DN.
Việt Nam đang từng bước hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Với sự phát triển khoa học, công nghệ và thông tin như hiện nay, đòi hỏi việc cung cấp thông tin kế toán phải được thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác và đáng tin cậy, để phục vụ cho quản lý và việc ra quyết định. Vì vậy, tổ chức thông tin kế toán trong các DN có chất lượng là một vấn đề rất quan trọng.
Tóm lại, nhóm nhân tố pháp lý, nhân tố ảnh hưởng từ môi trường kinh doanh, nhân tố tổ chức bộ máy nhân sự kế toán, nhân tố về nhu cầu thông tin kế toán là những nhân tố có tác động nhiều nhất đến tổ chức công tác kế toán của các DN trong điều kiện Việt Nam hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới. Việc xác định các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức công tác kế toán trong các DN là việc làm cần thiết, nó góp phần tổ chức tốt quá trình quản lý kinh tế, cung cấp thông tin kế toán trong quá trình hội nhập quốc tế của các DN./.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Quốc Thịnh, 2012, “Thách thức của quá trình hội tụ kế toán quốc tế và những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Tạp chí Kiểm toán, số 3, trang 43 -48.
2. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Nguyễn Thị Thanh Loan (2016), Giáo trình Tổ chức công tác kế toán.
3. Học viện Tài chính, Lưu Đức Tuyên, Ngô Thị Thu Hồng, (2011).
Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) NCS. Nguyễn Thị Phương Dung * Trường Đại học Thương mại