- Các nhân tố ảnh hưởng tới tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Biên Hoà - tỉnh Đồng Nai
- Làm rõ hơn quy trình thực hiện mua bán, sáp nhập doanh nghiệp có vốn Nhà nước ở Việt Nam
- Đổi mới hệ thống quy định kế toán trong ngân hàng thương mại đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế
- Nghiên cứu các hành vi kế toán sáng tạo trên thế giới và hàm ý với Việt Nam
- Trao đổi về nội dung của chế độ kế toán doanh nghiệp siêu nhỏ theo Thông tư 132/2018/TT-BTC
Các lợi ích kế toán trong môi trường ERP tại các doanh nghiệp Việt Nam: Khuôn mẫu đề xuất
|
Hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning - Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) xuất hiện lần đầu tiên vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Các hệ thống ERP tích hợp các quy trình kinh doanh bao gồm sản xuất, phân phối, kế toán, tài chính, quản lý nhân sự, quản lý dự án, quản lý hàng tồn kho, dịch vụ, bảo trì và cung cấp khả năng tiếp cận, khả năng hiển thị và nhất quán trong toàn doanh nghiệp. Khi thực hiện hệ thống ERP, các doanh nghiệp mong đợi hệ thống này sẽ đem lại cho mình nhiều lợi ích, trong đó có các lợi ích kế toán. Trong nghiên cứu này, dựa vào nghiên cứu của Alexandra Kanellou, Charalambos Spathis (2013) cùng với các nghiên cứu liên quan, tác giả sẽ đề xuất khuôn mẫu lợi ích kế toán trong môi trường ERP tại các doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, giúp các doanh nghiệp nhận diện được các lợi ích kế toán mà hệ thống ERP đem lại cho doanh nghiệp, so sánh với chi phí bỏ ra, từ đó ra quyết định có nên thực hiện hệ thống ERP tại doanh nghiệp mình hay không?
Rất nhiều các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã thực hiện hệ thống ERP như: CTCP Thế giới di động, CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk hay CTCP Cảng Đồng Nai,... Một trong những nguyên nhân thành công của CTCP Thế giới di động hiện nay là nhờ áp dụng hệ thống ERP ngay từ những ngày đầu thành lập. Công ty đã trở thành một điển hình kinh doanh tốt và được nghiên cứu, giới thiệu tại các trường Đại học hàng đầu như Harvard, UC Berkeley, trường Kinh doanh Tuck (Mỹ) (www.mwg.vn). Hay việc Vinamilk nắm giữ 55% thị trường ngành sữa Việt Nam năm 2018 (Nguồn: VietNam Report) đến từ khả năng ra quyết định kịp thời, quy trình kinh doanh được tối ưu của DN khi vận dụng hệ thống ERP.
Bên cạnh các DN lớn thì đa số các DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa, giai đoạn 2012 -2017 số lượng các DN nhỏ và vừa chiếm 98,1% trong tổng số các DN (Nguồn: Tổng cục Thống kê). Trong đó, các DN có quy mô vừa cũng rất chú trọng đến việc thực hiện các giải pháp quản lý như ERP vì hệ thống ERP được đánh giá là sẽ tăng khả năng quản lý, ra quyết định cho DN dù ở quy mô nào, giúp DN tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, việc thực hiện hệ thống ERP tại các DN có quy mô vừa rất khác so với các công ty lớn. Vì nguồn lực tài chính hạn chế, các DN này thường chỉ thực hiện hệ thống ERP một phần, trong đó thường tập trung vào các phân hệ như kế toán tài chính, nhân sự, bán hàng, quản lý cung ứng. Do đó, có thể thấy việc thực hiện hệ thống ERP tại các DN Việt Nam có một số điểm khác biệt so với các DN trên thế giới. Liệu trong điều kiện như vậy thì các lợi ích hệ thống ERP đem lại cho DN Việt Nam, đặc biệt là các lợi ích kế toán, có tương tự các DN trên thế giới?
Nghiên cứu về lợi ích kế toán trong môi trường ERP thì đã được thực hiện nhiều trên thế giới, tiêu biểu như các nghiên cứu của Alexandra Kanellou, Charalambos Spathis (2013), Spathis và Constantinides (2004), Spathis và Ananiadis (2005), Colmenares (2009).... Các nghiên cứu trên thế giới tập trung vào nhiều khía cạnh của lợi ích kế toán mà hệ thống ERP đem lại cho DN như xây dựng khuôn mẫu các lợi ích kế toán trong môi trường ERP, xem xét những sự thay đổi tích cực trong việc thực hành kế toán và vai trò người kế toán trong môi trường ERP. Các nghiên cứu về lợi ích kế toán trong môi trường ERP tại Việt Nam không nhiều, chủ yếu đề xuất lợi ích kế toán là một biến độc lập để xem xét tác động của nó đến một biến phụ thuộc khác, chứ chưa xem lợi ích kế toán trong môi trường ERP là biến cần tập trung nghiên cứu: Phạm Trà Lam (2018), Bùi Quang Hùng (2019)... Như vậy, có thể thấy việc thực hiện nghiên cứu là thực sự cần thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn tại Việt Nam.
Về khái niệm lợi ích kế toán trong môi trường ERP
Khi nói đến lợi ích kế toán trong môi trường ERP, tác giả muốn đề cập tới lợi ích hệ thống ERP mang lại cho hệ thống thông tin kế toán của DN.
Theo từ điển tiếng Việt, lợi ích là điều có ích, đáp ứng cho một nhu cầu nào đó. Theo mô hình sự thành công của hệ thống thông tin của DeLone và McLean (2003), lợi ích thuần của hệ thống thông tin là mức độ mà hệ thống thông tin đóng góp cho sự thành công của các bên liên quan bao gồm cá nhân, nhóm, DN hay xã hội.
Vì vậy, khái niệm lợi ích kế toán trong môi trường ERP có thể được khái quát như sau: Lợi ích kế toán trong môi trường ERP là những điều có ích, những tác động tích cực mà hệ thống ERP đem lại cho hệ thống thông tin kế toán của DN.
Tổng quan nghiên cứu
Theo sự tổng quan các nghiên cứu liên quan trên thế giới của tác giả, lợi ích hệ thống ERP mang lại cho hệ thống thông tin kế toán trong DN gồm có 2 hướng nghiên cứu: (a) tìm kiếm các lợi ích kế toán cụ thể mà hệ thống ERP đem lại cho DN, (b) xem xét việc thực hiện hệ thống ERP có đem lại sự thay đổi tích cực trong việc thực hành kế toán như việc áp dụng các kỹ thuật kế toán quản trị tiên tiến và vai trò người kế toán trong môi trường ERP có sự thay đổi hay không?
Trong các nghiên cứu về các lợi ích kế toán cụ thể mà hệ thống ERP đem lại cho DN thì nổi bật nhất là công trình của Alexandra Kanellou, Charalambos Spathis (2013) đã xây dựng được khuôn mẫu các lợi ích kế toán trong môi trường ERP trên cơ sở tổng hợp các khuôn mẫu lợi ích ERP cho DN của Shang and Seddon's (2002), Deloitte Consulting (1998), O'Leary (2004), và Esteves (2009) và đặc biệt là khuôn mẫu lợi ích kế toán ERP của Spathis (2006). Đồng thời, Alexandra Kanellou và Charalambos Spathis còn đưa vào một số biến quan sát lợi ích mới.
Trước nghiên cứu của Alexandra Kanellou và Charalambos Spathis (2013) đã có một số nghiên cứu khác xem xét các lợi ích kế toán DN đạt được trong môi trường ERP. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chỉ mới cho thấy một số lợi ích kế toán cụ thể mà chưa xây dựng được một khuôn mẫu kế toán hoàn thiện như Alexandra Kanellou và Charalambos Spathis (2013). Chẳng hạn, Spathis và Constantinides (2004) cho thấy, những sự thay đổi lợi ích quan trọng nhất đối với hoạt động kế toán khi thực hiện hệ thống ERP đó là tăng tính linh hoạt thông tin kế toán trong DN, tăng tính tích hợp các ứng dụng kế toán, cải thiện chất lượng và thời gian của các báo cáo kế toán, thông tin kế toán kịp thời và đáng tin cậy hơn. Hay việc thực hiện ERP sẽ giúp nâng cao khả năng khai thác các nguồn lực tài chính, nâng cao khả năng quản lý tài sản, giảm thời gian phát hành báo cáo kế toán, nâng cao chất lượng báo cáo kế toán (Spathis và Ananiadis, 2005); cải thiện tính chính xác của báo cáo tài chính, cải thiện việc kiểm soát và giám sát nhân viên (Colmenares, 2009).... Đa số các nghiên cứu trong nhóm này thực hiện theo phương pháp định lượng hoặc hỗn hợp.
Hướng nghiên cứu thứ hai xem xét việc thực hiện hệ thống ERP có đem lại sự thay đổi tích cực trong việc thực hành kế toán và vai trò người kế toán hay không là hướng nghiên cứu được nhiều học giả quan tâm. Tuy nhiên, kết quả về sự thay đổi trong việc thực hành kế toán do sự tác động bởi ERP thực sự chưa rõ ràng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, thực hiện các hệ thống tích hợp như ERP không đem lại sự thay đổi nào trong thực hành kế toán chẳng hạn như việc vận dụng các phương pháp kế toán quản trị tiên tiến: Booth và cộng sự (2000), Granlund và Malmi (2002), Timo Hyvửnen (2003), Despina Galani và cộng sự (2010). Trong khi đó, một số nghiên cứu khác lại cho thấy có sự tác động của các hệ thống thông tin tích hợp như hệ thống ERP đến thực hành kế toán quản trị (Rom và Rohde, 2006; Granlund, 2011); Thực hiện hệ thống DN như hệ thống ERP sẽ làm thay đổi kế toán tài chính, kế toán quản trị, kiểm toán và hệ thống kế toán (Steve G. Sutton, 2006); Có sự thay đổi văn hóa kế toán quản trị trong thực hành ở các hệ thống thông tin tích hợp như ERP (Jọrvenpọọ, 2007); Thực hiện hệ thống ERP sẽ dẫn tới sự thay đổi về các nghiệp vụ kế toán (Grabski và cộng sự, 2011); Hay hệ thống ERP nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng của các báo cáo quản trị (Solmaz Abbasi và cộng sự, 2014).... Như vậy, có thể thấy hệ thống ERP và việc thực hành kế toán có tương quan với nhau, nhưng chưa đủ bằng chứng kết luận mức độ tương quan của chúng (Aernoudts và cộng sự, 2008).
Về vai trò của nhân viên kế toán trong môi trường hệ thống hoạch định nguồn lực DN, thì tất cả các nghiên cứu đều xác nhận thực hiện ERP sẽ làm thay đổi vai trò người kế toán. Mối quan hệ giữa nhân viên kế toán và các công nghệ như hệ thống ERP ngày càng cho thấy sự kết nối với nhau (Mike Newman và Chris Westrup, 2005). Công việc của kế toán đã bị thay đổi do việc triển khai ERP, từ một vai trò truyền thống (tập trung vào các hoạt động kế toán) tới một vai trò cao hơn đó là đưa kế toán vào vị trí chuyên gia tư vấn và các nhà phân tích (Scapens và Jazayeri, 2003). Tuy nhiên, vị trí kế toán khác nhau thì sự thay đổi sẽ khác nhau. Trong đó, sự thay đổi lớn nhất là ở kế toán quản trị và kiểm soát nội bộ. Vai trò của kế toán tài chính sẽ không thay đổi nhiều (Hsueh-Ju Chen và cộng sự, 2011). Ariela Caglio (2003) còn cho rằng, thực hiện hệ thống ERP sẽ dẫn tới việc xuất hiện một vị trí mới “kế toán lai” - là sự kết hợp giữa kế toán và các các nhóm chuyên môn khác. Trong môi trường ERP, nhân viên kế toán quản trị ngoài các kiến thức chuyên môn, những hiểu biết về DN và các quy trình hoạt động của tổ chức, cần trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết để đáp ứng các nhu cầu công việc như kỹ năng giao tiếp để giải thích kết quả phân tích với nhà quản lý, gây ảnh hưởng và thuyết phục nhà quản lý, kỹ năng CNTT để khai thác hệ thống ERP một cách tốt nhất (Sayed, 2006). Các nghiên cứu trong nhóm này chủ yếu thực hiện theo phương pháp định tính.
Lợi ích kế toán trong môi trường ERP: Khuôn mẫu đề xuất
Dựa vào phần tổng quan tài liệu ở trên, khuôn mẫu các lợi ích kế toán trong môi trường ERP tại các DN Việt Nam được đề xuất trong nghiên cứu là khuôn mẫu các lợi ích kế toán trong môi trường ERP của Alexandra Kanellou, Charalambos Spathis (2013). Sở dĩ khuôn mẫu của Alexandra Kanellou, Charalambos Spathis (2013) được lựa chọn bởi vì khuôn mẫu này được kế thừa, tổng hợp, và điều chỉnh từ nhiều khuôn mẫu về lợi ích tổng thể ERP đem lại cho DN như Shang and Seddon's (2002), Deloitte Consulting (1998), O'Leary (2004) và Esteves (2009) hay lợi ích ERP đem lại cho kế toán nói riêng như khuôn mẫu của Spathis (2006). Đồng thời, Alexandra Kanellou và Charalambos Spathis còn đưa vào một số lợi ích: “Nhìn chung, ERP là linh hoạt hơn trong việc thu thập dữ liệu và tạo ra thông tin” hay “ERP thu thập dữ liệu nhanh hơn”. Theo lý giải của các tác giả, mặc dù những lợi ích này là các đặc điểm của hệ thống ERP và có thể không phải là các lợi ích kế toán đơn thuần. Nhưng bởi vì hệ thống ERP là hệ thống tích hợp tất cả các quá trình kinh doanh của DN, nên những đặc điểm của nó sẽ ảnh hưởng tới tất cả các quá trình kinh doanh của DN, trong đó có các quá trình kế toán, từ đó tạo ra hiệu quả cho DN.
So với khuôn mẫu lợi ích kế toán trong môi trường ERP của Spathis (2006), thì khuôn mẫu của Alexandra Kanellou, Charalambos Spathis (2013) ngoài việc có thêm một số biến quan sát mới, còn thực hiện phân tích EFA để chuyển từ khuôn mẫu đơn hướng sang khuôn mẫu đa hướng bậc hai. Điều này giúp nhóm các lợi ích kế toán đơn lẻ thành các khía cạnh lợi ích kế toán tổng quát, giúp các DN và các nhà nghiên cứu dễ hình dung hơn. Nghiên cứu này sử dụng khuôn mẫu có được từ kết quả phân tích EFA của Kanellou và Spathis (2013) tức nó là khuôn mẫu đa hướng bậc hai.
Trong khuôn mẫu lợi ích kế toán do ứng dụng ERP từ nghiên cứu của Kanellou và Spathis (2013) thì ở khái niệm bậc hai “Lợi ích kế toán về mặt hoạt động (thời gian)” có 4 biến quan sát (khái niệm bậc nhất), trong đó 3 biến quan sát gồm: Giảm thời gian khóa sổ kế toán hàng tháng, giảm thời gian khóa sổ kế toán hàng quý và giảm thời gian khóa sổ kế toán hàng năm, do cùng đo lường vấn đề khóa sổ kế toán nên trong nghiên cứu này tác giả gom chung thành 1 biến quan sát đó là “Giảm thời gian khóa sổ kế toán (hàng tháng /quý/năm)”.
Đồng thời, như đã lập luận trong phần tổng quan nghiên cứu, việc thực hiện ERP được xác nhận sẽ tác động, làm thay đổi vai trò người kế toán theo hướng tích cực hơn, nhưng khuôn mẫu lợi ích kế toán trong môi trường ERP của Alexandra Kanellou, Charalambos Spathis (2013) lại chưa đề cập đến khía cạnh này. Vì vậy, tác giả đề xuất nên thêm vào khuôn mẫu này khía cạnh lợi ích kế toán về mặt vai trò nhân viên kế toán gồm 1 biến quan sát “ERP nâng cao vai trò nhân viên kế toán trong DN, từ việc tập trung vào các công việc kế toán trở thành chuyên gia tư vấn và các nhà phân tích”. Khuôn mẫu cụ thể của khái niệm lợi ích kế toán do ứng dụng hệ thống ERP trong nghiên cứu được trình bày cụ thể như sau.
LI-CN Lợi ích kế toán về mặt CNTT
LI-CN1 ERP thu thập dữ liệu nhanh hơn
LI-CN2 ERP tổng hợp dữ liệu dễ dàng hơn
LI-CN3 ERP tạo ra thông tin nhanh hơn
LI-CN4 ERP tạo ra thông tin dễ dàng hơn
LI-CN5 Nhìn chung, ERP là linh hoạt hơn trong việc thu thập dữ liệu và tạo ra thông tin
LI-TG Lợi ích kế toán về mặt hoạt động (thời gian)
LI-TG1 ERP làm giảm thời gian khóa sổ kế toán
LI-TG2 ERP làm giảm thời gian tạo ra Báo cáo tài chính.
LI-TC Lợi ích kế toán về mặt vận hành
LI-TC1 ERP làm tăng tính linh hoạt trong việc truy cập thông tin.
LI-TC2 ERP làm tăng sự tích hợp của các ứng dụng liên quan kế toán.
LI-TC3 ERP cải thiện việc ra quyết định dựa trên thông tin kịp thời và đáng tin cậy.
LI-TC4 ERP cải thiện chất lượng các báo cáo, sổ sách kế toán.
LI-TC5 ERP làm tăng cường chức năng kiểm toán nội bộ.
LI-KTQT Lợi ích kế toán quản trị
LI-KTQT1 ERP làm tăng cường khả năng kiểm soát tài sản ngắn hạn.
LI-KTQT2 ERP làm tăng cường sử dụng việc phân tích các chỉ số tài chính.
LI-KTQT3 ERP làm giảm thời gian phát hành bảng lương.
LI-CP Lợi ích kế toán về mặt hoạt động (chi phí)
LI-CP1 ERP làm giảm nhân sự phòng kế toán
LI-VT Lợi ích kế toán về mặt vai trò nhân viên kế toán
LI-VT1 ERP nâng cao vai trò nhân viên kế toán trong DN, từ việc tập trung vào các công việc kế toán trở thành chuyên gia tư vấn và các nhà phân tích
Nghiên cứu định tính
Để xem xét sự phù hợp của khuôn mẫu lợi ích kế toán trong môi trường ERP tại các DN Việt Nam mà nghiên cứu đề xuất, tác giả đã thực hiện nghiên cứu định tính bằng phương pháp thảo luận nhóm với các chuyên gia. Nghiên cứu dự kiến sẽ thực hiện thảo luận nhóm với: (1) các giảng viên giảng dạy về ERP, (2) các nhà tư vấn, triển khai hệ thống ERP, (3) kế toán trưởng hoặc giám đốc tại DN đã sử dụng ERP. Đây là nhóm người có kiến thức chuyên môn vững chắc hay có kinh nghiệm thực tế về hệ thống ERP.
Đối với lợi ích kế toán về mặt CNTT, các chuyên gia cho rằng cần bỏ biến “Nhìn chung, ERP là linh hoạt hơn trong việc thu thập dữ liệu và tạo ra thông tin”, thêm phần linh hoạt này vào biến “ERP thu thập dữ liệu nhanh hơn” và “ERP tạo ra thông tin nhanh hơn” để tạo thành biến quan sát “ERP thu thập dữ liệu nhanh hơn, linh hoạt hơn” và “ERP tạo ra thông tin nhanh hơn, linh hoạt hơn”. Điều này giúp khuôn mẫu giảm bớt biến quan sát, thuận tiện cho người được khảo sát mà vẫn giữ được đầy đủ nội dung.
Đối với lợi ích kế toán về mặt hoạt động (thời gian), các chuyên gia đồng ý với hai biến quan sát của khuôn mẫu này và không có sự điều chỉnh gì thêm.
Đối với lợi ích kế toán về mặt vận hành, các chuyên gia cho rằng biến quan sát “ERP làm tăng cường chức năng kiểm toán nội bộ” cần điều chỉnh lại thành “ERP làm tăng cường hiệu quả kiểm toán nội bộ”. Như vậy sẽ rõ ràng và dễ hiểu hơn.
Đối với lợi ích kế toán quản trị, biến quan sát “ERP làm tăng cường khả năng kiểm soát tài sản ngắn hạn” cần điều chỉnh thành “ERP làm tăng cường khả năng dự báo ngắn hạn về tình hình tài chính và kinh doanh” vì phân tích, dự báo là thế mạnh của hệ thống ERP, chứ không chỉ kiểm soát đơn thuần như các hệ thống thông tin kế toán truyền thống. Biến quan sát “ERP làm giảm thời gian phát hành bảng lương” cần điều chỉnh thành “ERP làm giảm thời gian ra quyết định và truyền đạt các mệnh lệnh công tác”. Theo các chuyên gia, giảm thời gian phát hành bảng lương chỉ là một lợi ích nhỏ trong các lợi ích mà ERP mang lại cho DN. Trong lợi ích kế toán quản trị, các lợi ích liên quan việc ra quyết định, mệnh lệnh công tác nên là biến quan sát được đề cập.
Đối với lợi ích kế toán về mặt hoạt động (chi phí), các chuyên gia đồng ý với biến quan sát của khuôn mẫu này và không có sự điều chỉnh gì thêm.
Đối với lợi ích kế toán về mặt vai trò nhân viên kế toán, các chuyên gia đều cho rằng việc thêm khía cạnh này là cần thiết. Tuy nhiên, khuôn mẫu cho khía cạnh này do tác giả đề xuất chưa đầy đủ, cần thêm vào hai biến “ERP tạo ra sự kết nối chặt chẽ của các nhân viên kế toán trong hoạt động chuyên môn” và “ERP liên kết hoạt động nhân viên kế toán với các phân hệ khác có liên quan trong toàn công ty”.
Như vậy, khuôn mẫu lợi ích kế toán trong môi trường ERP tại các DN Việt Nam sau khi thực hiện nghiên cứu định tính sẽ được điều chỉnh lại như sau:
LI-CN Lợi ích kế toán về mặt CNTT
LI-CN1 ERP thu thập dữ liệu nhanh hơn, linh hoạt hơn
LI-CN2 ERP tổng hợp dữ liệu dễ dàng hơn
LI-CN3 ERP tạo ra thông tin nhanh hơn, linh hoạt hơn
LI-CN4 ERP tạo ra thông tin dễ dàng hơn
LI-TG Lợi ích kế toán về mặt hoạt động (thời gian)
LI-TG1 ERP làm giảm thời gian khóa sổ kế toán
LI-TG2 ERP làm giảm thời gian tạo ra Báo cáo tài chính.
LI-TC Lợi ích kế toán về mặt vận hành
LI-TC1 ERP làm tăng tính linh hoạt trong việc truy cập thông tin.
LI-TC2 ERP làm tăng sự tích hợp của các ứng dụng liên quan kế toán.
LI-TC3 ERP cải thiện việc ra quyết định dựa trên thông tin kịp thời và đáng tin cậy.
LI-TC4 ERP cải thiện chất lượng các báo cáo, sổ sách kế toán.
LI-TC5 ERP làm tăng cường hiệu quả kiểm toán nội bộ.
LI-KTQT Lợi ích kế toán quản trị
LI-KTQT1 ERP làm tăng cường khả năng dự báo ngắn hạn về tình hình tài chính và kinh doanh.
LI-KTQT2 ERP làm tăng cường sử dụng việc phân tích các chỉ số tài chính.
LI-KTQT3 ERP làm giảm thời gian ra quyết định và truyền đạt các mệnh lệnh công tác.
LI-CP Lợi ích kế toán về mặt hoạt động (chi phí)
LI-CP1 ERP làm giảm nhân sự phòng kế toán
LI-VT Lợi ích kế toán về mặt vai trò nhân viên kế toán
LI-VT1 ERP nâng cao vai trò nhân viên kế toán trong DN, từ việc tập trung vào các công việc kế toán trở thành chuyên gia tư vấn và các nhà phân tích
LI-VT2 ERP tạo ra sự kết nối chặt chẽ của các nhân viên kế toán trong hoạt động chuyên môn.
LI-VT3 ERP liên kết hoạt động nhân viên kế toán với các phân hệ khác có liên quan trong toàn công ty.
Kết luận
Dựa vào tổng quan các nghiên cứu liên quan, tác giả đã mạnh dạn đề xuất khuôn mẫu các lợi ích kế toán trong môi trường ERP tại các DN Việt Nam. Sau đó tiến hành thực hiện thảo luận nhóm với các chuyên gia để có thể đưa ra nhận định ban đầu về khuôn mẫu này. Các chuyên gia đã đề xuất một số điều chỉnh để khuôn mẫu phù hợp trong điều kiện môi trường ERP tại các DN Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể đưa ra kết luận chính xác, một nghiên cứu định lượng cần được thực hiện để kiểm tra khuôn mẫu này. Đây sẽ là hướng nghiên cứu tiếp theo của tác giả trong tương lai./.
Tài liệu tham khảo
1. Bùi Quang Hùng, 2019. Nghiên cứu về mối quan hệ giữa chất lượng phần mềm kế toán với hoạt động kế toán, năng lực phản ứng và hiệu quả hoạt động của DN tại Việt Nam. Luận án Tiến sĩ. Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
2. Phạm Trà Lam, 2018. Nhân tố tác động đến cảm nhận kết quả công việc của nhân viên kế toán trong môi trường ứng dụng hệ thống hoạch định nguồn lực DN - trường hợp Việt Nam. Luận án Tiến sĩ. Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
3. Colmenares, L., 2009. Benefits of ERP systems for accounting and financial management. Proceedings of the Acedemy of Information and Management Sciences, 13(1), 3-7.
4. Kanellou, A., and Spathis, C., 2013. Accounting benefits and satisfaction in an ERP environment. International Journal of Accounting Information Systems, 14:209-234.
5. Spathis C, Constantinides S, 2004. Enterprise resource planning systems impact on accounting processes. Bus Process Manag J, 10(3): 234-247.
6. Spathis, C., and Ananiadis, J., 2005. Assessing the benefits of using an enterprise system in accounting information and management. Journal of enterprise Information Management, 18(2), 195-210.
7. WILLIAM H. DeLone and EPHRAIM R. McLean, 2003. The DeLone and McLean Model of Information Systems Success: A Ten-Year Update. Journal of Management Information Systems, Vol. 19, no. 4, pp. 9-30.
Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) Ths. Đào Nhật Minh * Khoa Kinh tế và Kế toán - Đại học Quy Nhơn