Bút toán điều chỉnh: từ lý thuyết đến thực hành (From theory to practice)


“Chu trình kế toán” là một cách tiếp cận có giá trị thực tiễn đối với công tác kế toán hiện nay. Dựa trên những thông lệ quốc tế và những nghiên cứu đã công bố, bài viết này đi sâu phân tích một bước trong chu trình kế toán, đó là bước thực hiện các “Bút toán điều chỉnh”. Trên nền tảng lý thuyết về kế toán điều chỉnh, bài viết sẽ phân loại, sắp xếp các nghiệp vụ kế toán trong thực tế hiện nay, phù hợp với đặc điểm và bản chất của các bút toán điều chỉnh (BTĐC) trong chu trình kế toán. Qua bài viết này, những người đang làm kế toán cũng như đang học kế toán, sẽ vận dụng được khái niệm chu trình kế toán và BTĐC trong công việc của mình.

Hiện nay, khái niệm “Nghiệp vụ điều chỉnh”, hay “Bút toán điều chỉnh” chưa được sử dụng rộng rãi và quen thuộc trong kế toán thực hành tại Việt Nam. Trên phương diện cả lý thuyết và thực tiễn của Kế toán Việt Nam, khái niệm “Chu trình kế toán” chưa được hình thành và cũng chưa được xem là một quy trình xử lý công việc kế toán, thì lẽ tất nhiên các khái niệm như “Nghiệp vụ điều chỉnh”, “Bút toán điều chỉnh” cũng chưa có, vì nó là một bước trong chu trình kế toán. Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Cửu Đỉnh (2016), chu trình kế toán được đề xuất gồm 6 bước cơ bản với thứ tự lần lượt là: (1) Nhận diện, thu thập và phân tích dữ liệu; (2) Ghi sổ nhật ký; (3) Chuyển vào sổ cái; (4) BTĐC; (5) Khoá sổ kế toán; (6) Lập báo cáo tài chính (BCTC), trong đó bước thực hiện các “BTĐC”, bước thứ 4, là một trong những bước rất quan trọng trong chu trình kế toán. Để những người đang làm kế toán thực tế cũng như những người đang học kế toán hiểu rõ bản chất loại nghiệp vụ kế toán nào theo quy định hiện nay cũng như trong thực tế là thuộc loại BTĐC, thì điều cần thiết là phải nghiên cứu đặc điểm của tất cả các loại nghiệp vụ kế toán trong thực tế để phân loại, sắp xếp chúng vào đúng các loại nghiệp vụ điều chỉnh, phù hợp với đặc điểm và bản chất của kế toán điều chỉnh trong chu trình kế toán.

Tổng quan về BTĐC

 “Kế toán điều chỉnh” hàm ý là một nhiệm vụ trong công tác kế toán, để điều chỉnh cho tất cả những sự kiện và sai sót làm ảnh hưởng đến tính chính xác trong ghi chép kế toán, hoặc nó được thực hiện để tuân thủ các Nguyên tắc kế toán của từng quốc gia (GAAP) hay tuân thủ theo Chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS). Với hàm ý như vậy, về mặt kỹ thuật, kế toán điều chỉnh liên quan đến 2 nhóm kỹ thuật điều chỉnh cơ bản: nhóm thứ nhất (1), các bút toán sửa sai kế toán, hoặc các nghiệp vụ điều chỉnh theo yêu cầu của kiểm toán, hoặc các nghiệp vụ điều chỉnh khi lập BCTC hợp nhất; và nhóm thứ hai (2), các BTĐC thuộc bước 4 trong chu trình kế toán.

A.      Đối với nhóm thứ nhất, các nghiệp vụ thường được thực hiện ở bất kỳ thời điểm nào khi kế toán phát hiện các sai sót trong quá trình ghi chép và xử lý dữ liệu kế toán, cũng như khi kế toán thực hiện các điều chỉnh theo yêu cầu của kiểm toán viên. Đối với các nghiệp vụ điều chỉnh trong công tác lập BCTC hợp nhất chỉ thực hiện khi có nhu cầu lập báo cáo hợp nhất và được thực hiện để nhằm loại trừ các khoản mục nội bộ. Như vậy, xét về bản chất, đặc điểm thì nhóm các nghiệp vụ này không thuộc phạm vi nghiên cứu của bài viết này.
B.      Đối với nhóm thứ 2, các nghiệp vụ được thực hiện như một bước trong “chu trình kế toán” và tuân thủ theo GAAP hoặc IFRS. Các nghiệp vụ kế toán thuộc nhóm này theo đúng bản chất và ý nghĩa của BTĐC trong chu trình kế toán mà các doanh nghiệp (DN) phải thực hiện trước khi lập BCTC.  Và đây chính là đối tượng mà bài viết này sẽ nghiên cứu.
1. Một là, Bản chất của các BTĐC

Bản chất của các BTĐC là được thực hiện vào cuối kỳ, nhằm điều chỉnh lại các khoản Tài sản và Nợ phải trả đã ghi nhận trước đó thành Doanh thu hoặc Chi phí, đáp ứng mục tiêu là số liệu kế toán được báo cáo chính xác trước khi lập BCTC. Các BTĐC phân biệt rạch ròi giữa việc thu hoặc chi tiền và việc ghi nhận doanh thu hay chi phí. Thực hiện các BTĐC chính là tuân thủ nguyên tắc cơ sở dồn tích, nguyên tắc phù hợp và cả nguyên tắc ghi nhận doanh thu và nguyên tắc thận trọng.

-        Theo nguyên tắc cơ sở dồn tích, doanh thu và chi phí được ghi nhận khi chúng phát sinh chứ không phải tại thời điểm thực thu hay thực chi tiền. Ta thấy không chỉ những khoản tiền thu được mới là doanh thu, hay tiền chi ra mới là chi phí trong kỳ, mà doanh thu và chi phí có thể là những khoản chưa thu hoặc chưa chi tiền. Hoặc có những khoản tiền đã thu được trong kỳ nhưng chưa hẳn là doanh thu của kỳ này, vì sang kỳ sau DN mới thực hiện nghĩa vụ giao hàng hoặc cung cấp dịch vụ cho khách hàng, và khi đó doanh thu mới thực sự phát sinh. Tương tự như vậy, có những khoản tiền chi ra kỳ này nhưng chưa hẳn là chi phí của kỳ này, vì những khoản chi đó sang kỳ sau mới thực sự được sử dụng, chỉ khi lợi ích kinh tế được sử dụng hết thì chi phí mới thực sự phát sinh.

-        Nguyên tắc phù hợp hướng dẫn doanh thu kỳ nào phải tương ứng với chi phí kỳ đó. Chi phí được ghi nhận khi DN sử dụng lợi ích kinh tế, nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ để mang lại doanh thu. Như vậy, thời điểm ghi nhận chi phí là khi DN đã sử dụng lợi ích kinh tế để tạo ra doanh thu, chứ không phải là thời điểm DN chi tiền.

-        Ngoài 2 nguyên tắc chính đã nêu trên, các nguyên tắc kế toán khác như nguyên tắc ghi nhận doanh thunguyên tắc thận trọng cũng chi phối các BTĐC. Khi DN thực hiện BTĐC đối với các khoản dự phòng tổn thất tài sản và dự phòng phải trả là tuân thủ nguyên tắc thận trọng.

Như vậy, mục đích chính của việc thực hiện các BTĐC là để cập nhật số dư các TK tại thời điểm cuối kỳ, tuân thủ các nguyên tắc kế toán cơ bản. Như vậy, rõ ràng nếu các BTĐC không được thực hiện thì các khoản doanh thu, chi phí, tài sản hay nợ phải trả sẽ không phản ánh đúng giá trị thật của chúng khi trình bày trên BCTC. 

2. Hai là, Đặc điểm của các BTĐC

Mỗi BTĐC ảnh hưởng đến ít nhất một TK thuộc Bảng cân đối kế toán (BCĐKT) và một TK thuộc Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (BCKQHĐKD), nhưng không bao giờ ảnh hưởng đến TK tiền.

Cuối kỳ, thường có 2 trường hợp cần phải thực hiện BTĐC trước khi lập BCTC: (1) Các khoản doanh thu hoặc chi phí chưa được ghi nhận vào sổ sách kế toán, nhưng chúng đã thực sự phát sinh và phải được bao gồm trong BCĐKT và BCKQHĐKD của kỳ hiện tại; (2) Sổ sách kế toán đã ghi nhận một khoản đã thu hoặc đã chi tiền trong kỳ, nhưng khoản đó cần phải chia nhỏ và phân bổ cho nhiều kỳ kế toán sau. Tại thời điểm ghi nhận BTĐC thì không phát sinh chứng từ gốc.

3. Ba là, Tác dụng của BTĐC đối với các BCTC

Các BTĐC ảnh hưởng trực tiếp đến thông tin các TK doanh thu, chi phí, tài sản và nợ phải trả. Nhờ có BTĐC mà thông tin trình bày trên BCTC sẽ đáp ứng những yêu cầu cơ bản của kế toán, như: Trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu. Việc thực hiện các BTĐC là một công đoạn bắt buộc, trong chu trình kế toán trước khi lập BCTC.

BTĐC được tạo ra, để làm doanh thu phù hợp với chi phí tạo ra doanh thu đó. Lãi ròng của một DN sẽ tăng, khi doanh thu được ghi nhận đầy đủ trong kỳ theo đúng bản chất là doanh thu đã thực hiện, cho dù có thể tiền chưa thu được, và chi phí cũng được phân bổ vào các kỳ hợp lý tương ứng với doanh thu. Lãi ròng sẽ giảm khi chi phí được điều chỉnh tăng, mặc dù có thể chi phí đó chưa được chi trả. Tất cả những vấn đề này, đều ảnh hưởng đến BCKQHĐKD, do đó kết quả kinh doanh của DN sẽ hợp lý và chính xác hơn. Nếu thông tin trên BCKQHĐKD là chính xác, đáng tin cậy, thì thông tin trình bày trên BCĐKT cũng sẽ chính xác và đáng tin cậy.

4. Bốn là, Các loại BTĐC

Có 4 loại BTĐC cơ bản, tuy nhiên có những trường hợp khá đặc biệt cũng thuộc loại BTĐC, như các bút toán lập dự phòng tổn thất tài sản.

1.      BTĐC chi phí trả trước:

BTĐC chi phí trả trước sẽ làm tăng chi phí và giảm tài sản trong kỳ. Chi phí trả trước là khoản đã chi tiền nhưng lợi ích kinh tế mà nó mang lại sẽ kéo dài trong nhiều kỳ ở tương lai, nên bản chất của chi phí trả trước là một tài sản. Khi lợi ích kinh tế của các tài sản này được sử dụng, thì giá trị của nó sẽ dần dần trở thành chi phí. Các khoản chi phí trả trước liên quan đến nhiều kỳ như: Chi phí bảo hiểm trả trước, tiền thuê văn phòng trả trước, công cụ dụng cụ xuất dùng cho nhiều kỳ, hay chi phí quảng cáo trả trước. Đến cuối kỳ kế toán, thực hiện các BTĐC để kết chuyển chi phí trả trước vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ, kế toán sẽ ghi: Nợ TK “Chi phí” / Có TK “Chi phí trả trước”.

Đặc biệt, đối với nghiệp vụ trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) hàng kỳ cũng thuộc loại BTĐC chi phí trả trước. TSCĐ được sử dụng dài hạn liên quan đến nhiều kỳ kế toán và giá trị của TSCĐ bị giảm dần theo thời gian sử dụng. Trích khấu hao TSCĐ là quá trình phân bổ nguyên giá TCSĐ vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ, theo thời gian hữu dụng của tài sản. Cuối mỗi kỳ kế toán, thực hiện BTĐC trích khấu hao TSCĐ, kế toán sẽ ghi: Nợ TK “Chi phí” /Có TK “Khấu hao lũy kế”. Bản chất của TK khấu hao TSCĐ (hao mòn TSCĐ) là TK điều chỉnh giảm tài sản.

2.      Điều chỉnh doanh thu chưa thực hiện

BTĐC doanh thu chưa thực hiện, sẽ làm tăng doanh thu và giảm nợ phải trả trong kỳ. Doanh thu chưa thực hiện là khoản tiền nhận trước từ khách hàng cho việc cung cấp hàng hoá, dịch vụ trong tương lai. Khi nhận trước tiền của khách hàng, thì trách nhiệm phải cung cấp sản phẩm, hàng hoá hoặc dịch vụ của DN được xác nhận. Như vậy, doanh thu chưa thực hiện là một khoản nợ phải trả. Khi sản phẩm, hàng hoá hoặc dịch vụ được cung cấp, doanh thu chưa thực hiện sẽ trở thành doanh thu đã thực hiện. Cuối kỳ kế toán, DN phải đánh giá được tỷ lệ khối lượng công việc mà DN đã thực hiện cho khách hàng, để chuyển doanh thu chưa thực hiện thành doanh thu đã thực hiện tương ứng với phần tỷ lệ khối lượng công việc đã cung cấp cho khách hàng. BTĐC cụ thể như sau: Nợ TK “Doanh thu chưa thực hiện” /Có TK “Doanh thu”.

3.      Điều chỉnh chi phí chưa thanh toán và chưa ghi nhận

BTĐC chi phí chưa chi tiền và chưa ghi nhận, sẽ làm tăng chi phí và tăng nợ phải trả trong kỳ. Chi phí chưa thanh toán và chưa ghi nhận là những chi phí thực sự đã phát sinh trong kỳ, nhưng chưa được thanh toán tiền và chưa được ghi nhận trong kỳ. Việc chi trả được thực hiện ở tương lai, do đó nó còn được gọi với một thuật ngữ khác là “Chi phí phải trả” và được xem như là một khoản nợ phải trả ngắn hạn. Mặc dù, chi phí này chưa được chi trả nhưng nó đã được sử dụng để tạo ra doanh thu trong kỳ, do đó nó phải được ghi nhận để tuân thủ nguyên tắc phù hợp. Những trường hợp thường gặp thuộc loại chi phí này là: Chi phí lương, lãi tiền vay, tiền thuê nhà, thuế phải nộp... BTĐC cụ thể là: Nợ TK “Chi phí” /Có TK “Nợ phải trả”.

4.       Điều chỉnh doanh thu chưa thu tiền và chưa ghi nhận

BTĐC doanh thu chưa thu tiền và chưa ghi nhận, sẽ làm tăng doanh thu và tăng tài sản trong kỳ. Doanh thu chưa thu tiền và chưa được ghi nhận là doanh thu đã thực hiện trong kỳ nhưng chưa thu tiền và chưa được ghi nhận. Trong trường hợp này, doanh thu đã phát sinh trong kỳ nhưng DN chưa phát hành hóa đơn cho khách hàng. Việc phát hành hóa đơn, có thể được thực hiện vào ngày kết thúc hợp đồng hoặc cuối kỳ hạn cung cấp hàng hoá, dịch vụ, và ngày phát hành hoá đơn có thể khác với ngày lập BCTC. Tuy nhiên, vì trong kỳ kế toán có một phần doanh thu đã được thực hiện nên kế toán phải ghi nhận doanh thu và đồng thời ghi nhận đây là một tài sản (nợ phải thu). Các trường hợp thường gặp như: Phải thu tiền lãi từ các khoản cho vay, hoặc cho thuê tài sản nhiều kỳ... BTĐC cụ thể là: Nợ TK “Nợ phải thu” /Có TK “Doanh thu”.

5.      Điều chỉnh các khoản dự phòng tổn thất tài sản

Phần lớn các tài sản như nợ phải thu, hàng tồn kho, chứng khoán đầu tư sẽ được trình bày trên BCTC theo giá trị thuần có thể thực hiện được. Những tài sản này có thể bị tổn thất, do những điều kiện khách quan về sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, do vậy phần lớn các DN đều lập dự phòng. Đặc điểm của nghiệp vụ lập dự phòng được thực hiện vào cuối kỳ kế toán và nó làm tăng chi phí và giảm tài sản trong kỳ tương ứng, BTĐC cụ thể là: Nợ TK “Chi phí” /Có TK “Dự phòng”. Bản chất của các TK dự phòng là TK điều chỉnh giảm tài sản.

Phân loại, sắp xếp các nghiệp vụ kế toán hiện nay, theo nội dung các BTĐC

Thực hiện BTĐC là một bước bắt buộc trong chu trình kế toán trước khi lập BCTC. Khi các BTĐC được thực hiện, thông tin về doanh thu, chi phí trong kỳ sẽ được cập nhật, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc cơ sở dồn tích, nguyên tắc ghi nhận doanh thu và nguyên tắc phù hợp. Đặc điểm các khoản doanh thu và chi phí được ghi nhận bởi các BTĐC là chúng liên quan đến những hoạt động kinh tế đã phát sinh trước đó, nhưng doanh thu và chi phí thật sự lại phát sinh trong tương lai. Vào thời điểm cuối kỳ, có rất nhiều các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong đó có các BTĐC, và cần phân biệt BTĐC với các nghiệp vụ kinh tế phát sinh thông thường. Hiện nay, kế toán thực hành tại các DN cũng như cách giảng dạy kế toán tại các đơn vị đào tạo, chưa hình thành một chu trình kế toán bài bản và chưa phân định các bước cụ thể để thực hiện công việc kế toán một cách rạch ròi. Trong phần này, chúng tôi sẽ phân loại và sắp xếp các nghiệp vụ kế toán thực tế vào đúng bản chất của các BTĐC. Từ đó, sẽ giúp người hành nghề kế toán cũng như người học kế toán dần dần hình thành một ý niệm về tính hệ thống trong công việc của mình.

1.      Thứ nhất, Các loại nghiệp vụ thuộc BTĐC Chi phí trả trước:

BTĐC chi phí trả trước có bản chất là làm tăng chi phí và giảm tài sản, với mục tiêu chính là ghi nhận (cập nhật) chi phí. Nghĩa là, khi thực hiện BTĐC này, kế toán ghi nhận những khoản chi phí đã phát sinh trong kỳ hiện tại liên quan đến những tài sản đang được sử dụng, mà lợi ích do nó tạo ra có liên quan đến nhiều kỳ như: Công cụ - Dụng cụ, TSCĐ, các dịch vụ đã thanh toán cho nhiều kỳ (phí mua bảo hiểm, tiền thuê nhà, chi phí sửa chữa lớn TSCĐ, chi phí thu mua hàng hóa...), lãi vay trả trước, lãi trái phiếu trả trước, lỗ do chênh lệch giá bán nhỏ hơn giá trị còn lại của TSCĐ, trong trường hợp giao dịch bán và thuê lại TSCĐ là thuê tài chính,... BTĐC trong trường hợp này như sau:

Nợ TK “Các loại chi phí” / Có TK 242, 1562, 214, 34311, 34312

Tuy nhiên, trong trường hợp chi phí đủ điều kiện vốn hóa thì BTĐC có thể ghi tăng một tài sản và ghi giảm một tài sản khác. Đây là trường hợp tương đối đặc biệt, xét về bản chất thì chi phí phát sinh là để tạo ra doanh thu hoặc là tạo ra một tài sản mới. Cho nên, BTĐC có thể bao hàm cả trường hợp phân bổ chi phí trả trước vào giá trị của tài sản đang hình thành (tài sản dở dang). BTĐC cụ thể là:

Nợ TK 241 / Có TK 242, 34312

2.      Thứ hai, Các loại nghiệp vụ thuộc BTĐC Doanh thu chưa thực hiện:

BTĐC doanh thu chưa thực hiện có bản chất là làm tăng doanh thu và giảm nợ phải trả, với mục tiêu chính là ghi nhận (cập nhật) số liệu của TK doanh thu vào cuối kỳ. Khi thực hiện BTĐC này thì kế toán sẽ ghi nhận khoản doanh thu đã thực hiện trong kỳ hiện tại, liên quan đến những lợi ích kinh tế mà DN đã nhận trước đó, tương ứng với nghĩa vụ phải thực hiện trong nhiều kỳ, như tiền khách hàng trả trước cho việc mua dịch vụ nhiều kỳ, tiền lãi bán hàng trả góp.... BTĐC loại này gồm các trường hợp như sau:

a)      Trường hợp nhận tiền khách hàng trả trước về cho thuê TSCĐ, bất động sản đầu tư trong nhiều năm. Định kỳ, kế toán phải tính toán và điều chỉnh ghi nhận doanh thu như sau:

Nợ TK 3387 / Có TK 511

b)      Trường hợp bán hàng trả chậm, trả góp có phát sinh lãi trả chậm trả góp do khoản chênh lệch giữa giá bán trả ngay và giá bán trả góp. Định kỳ, kế toán phải xác định và ghi nhận BTĐC tăng doanh thu từ tiền lãi bán hàng trả chậm, trả góp:

Nợ TK 3387 / Có TK 515

c)       Trường hợp cung cấp dịch vụ cho khách hàng trong nhiều kỳ và nhận tiền trước. Định kỳ, kế toán phải tính toán và ghi nhận BTĐC tăng doanh thu tương ứng với phần dịch vụ đã thực hiện trong kỳ:

Nợ TK 131 / Có TK 511

Trong trường hợp này, TK 131-phải thu của khách hàng, có thể đang có số dư bên Có, thể hiện đây là một khoản nợ chứ không phải là một tài sản.

Trong một số trường hợp đặc biệt, thay vì luôn ghi tăng doanh thu, BTĐC loại này lại ghi giảm chi phí. Xét về bản chất thì việc ghi tăng doanh thu cũng đồng nghĩa với việc ghi giảm chi phí, bởi vì cả hai cách đều làm cho lợi nhuận của DN tăng lên. Cụ thể, một số trường hợp như sau:

  • Bán và thuê lại TSCĐ là thuê tài chính có chênh lệch giá bán lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại (theo dõi trên TK 3387), định kỳ, kết chuyển khoản chênh lệch lãi này làm giảm chi phí SXKD trong kỳ phù hợp với thời gian thuê tài sản:

Nợ TK 3387/Có TK “Chi phí”

  • Khi DN phát hành trái phiếu có phát sinh khoản phụ trội (do chênh lệch giữa giá phát hành cao hơn mệnh giá) thì định kỳ, phụ trội trái phiếu được phân bổ dần để giảm chi phí đi vay hoặc giảm vào chi phí hình thành tài sản, khi chi phí vay đủ điều kiện vốn hóa:

Nợ TK 34313/Có TK 635, 241, 627

3.      Thứ ba, Các loại nghiệp vụ thuộc BTĐC Chi phí phải trả:

BTĐC chi phí phải trả có bản chất là làm tăng chi phí và tăng nợ phải trả, với mục tiêu là ghi nhận (cập nhật) chi phí vào cuối kỳ. Khi thực hiện BTĐC này, kế toán ghi nhận những khoản chi phí đã phát sinh trong kỳ hiện tại nhưng chưa thanh toán và chưa được ghi nhận trong kỳ. Chẳng hạn các trường hợp như: Sử dụng dịch vụ trong nhiều kỳ và trả tiền sau; Tính lương phải trả cho người lao động; Trích trước vào chi phí về tiền lương nghỉ phép của công nhân viên; Lãi vay trả sau; Phát hành trái phiếu trả lãi sau. BTĐC cụ thể như sau:

Nợ TK “Chi phí” /Có TK 331, 334, 335

Trường hợp lãi vay trả sau, phát hành trái phiếu trả lãi sau được vốn hóa, BTĐC có thể ghi:

Nợ TK 241, 627 / Có TK 335

4.      Thứ tư, Các loại nghiệp vụ thuộc BTĐC Doanh thu chưa thu tiền và chưa ghi nhận:

BTĐC doanh thu chưa thu tiền và chưa ghi nhận trong kỳ có bản chất là làm tăng doanh thu và tăng tài sản, với mục đích chính là ghi nhận (cập nhật) doanh thu vào cuối kỳ. Khi thực hiện BTĐC này, kế toán ghi nhận những khoản doanh thu đã thực hiện trong kỳ nhưng chưa thu được tiền hay lợi ích kinh tế và chưa được ghi nhận trong kỳ, bao gồm các nghiệp vụ sau:

a)      Trường hợp cung cấp dịch vụ trong nhiều kỳ và chưa thu được tiền (tiền thu sau khi hoàn thành xong dịch vụ cho khách hàng). Cuối kỳ kế toán, DN thực hiện BTĐC để ghi nhận doanh thu chưa thu tiền tương ứng với phần dịch vụ đã cung cấp cho khách hàng trong kỳ:

Nợ TK 131 / Có TK 511

b)      Khi có bằng chứng chắc chắn thu được khoản lãi cho vay (bao gồm cả lãi trái phiếu), lãi tiền gửi, lãi trả chậm, trả góp. BTĐC để ghi nhận doanh thu từ các khoản lãi này mà hiện tại chưa thu được tiền:

Nợ TK 138, 121, 128/Có TK 515

5.      Thứ năm, Các loại nghiệp vụ thuộc BTĐC dự phòng tổn thất tài sản:

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, DN không tránh khỏi các tổn thất tài sản do những yếu tố khách quan gây ra, như giảm giá chứng khoán kinh doanh, tổn thất đầu tư, nợ khó đòi, giảm giá hàng tồn kho. Do đó, DN cần phải lập dự phòng để bù đắp các tổn thất tài sản nếu có phát sinh. Các nghiệp vụ lập dự phòng thường được thực hiện vào lúc cuối kỳ và giá trị của các khoản dự phòng được tính vào chi phí trong kỳ. BTĐC như sau:

Nợ TK “Chi phí” /Có TK 229

Kết luận

Trong xu thế hội nhập quốc tế về kế toán của Việt Nam hiện nay, việc nghiên cứu các khái niệm cũng như các kỹ thuật trong kế toán theo thông lệ quốc tế, để đưa vào vận dụng cho Kế toán Việt Nam là hết sức cần thiết và cấp bách. Bài viết này, đã vận dụng những nền tảng lý thuyết về “Chu trình kế toán” và “BTĐC”, là những kiến thức phổ quát của nhiều quốc gia trên thế giới. Để phân loại, sắp xếp các nghiệp vụ kế toán trong thực tế, cũng như theo các văn bản quy định hiện hành của Việt Nam, đúng với bản chất, đặc điểm của loại BTĐC trong chu trình kế toán. Từ đó, giúp những người đang làm kế toán trong thực tế dễ dàng thực hiện công việc của mình theo một quy trình bài bản. Đồng thời, những người đang dạy và học kế toán cũng dần hình thành một tư duy có tính hệ thống về quy trình xử lý dữ liệu kế toán, để đạt được mục tiêu cuối cùng là lập BCTC cung cấp thông tin cho những người sử dụng./.

 

Tài liệu tham khảo

-        Bộ Tài chính, 22/12/2014, Thông tư 200/2014/TT-BTC.

-        Bộ Tài chính, 22/12/2014, Thông tư 202/2014/TT-BTC.

-        Bộ Tài chính, 26/08/2016, Thông tư 133/2016/TT-BTC.

-        John J. Wild,  Ken W. Shaw, Barbara Chiappetta, 2011, Fundamental Accounting Principles, 20th edition, McGraw hill

-        Jerry J. Weygandt,Paul D. Kimmel, Donald E. Kieso, 2015, Accounting Principles, 12th edition, Wiley

-        TS. Nguyễn Cửu Đỉnh, 2016, Thay đổi giáo trình Nguyên lý Kế toán hiện nay theo hướng hội nhập quốc tế, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia tại Hà Nội, ISBN: 978-604-79-1515-6

-        Website: http://www.accountingtools.com/

Thông tin tác giả

1. TS. Nguyễn Cửu Đỉnh
  • Trưởng khoa KTKT, Trưởng bộ môn Kế toán quản trị.
  • Lĩnh vực nghiên cứu là kế toán.
  • Các công trình đã đang trong năm 2016:

ü  Xác định và đo lường các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động đào tạo của khoa KTKT, trường ĐH Văn Lang. Đăng Tạp chí khoa học về giáo dục của trường đào tạo cán bộ quản lý giáo dục, Tp.HCM, số tháng 01/2016.

ü  Thay đổi giáo trình Nguyên lý kế toán hiện nay theo hướng hội nhập quốc tế. Đăng trong Kỷ yếu hội thảo quốc gia tại Hà Nội, ngày 11/11/2016.

ü  Giới thiệu IFRS vào chương trình đào tạo ngành kế toán của các trường ĐH Việt Nam. Đăng kỷ yếu hội thảo do Bộ Tài chính - ACCA - VAA phối hợp tổ chức ngày 21/12/2016.

ü  Email: cuudinh@gmail.com

2. Ths. Doanh Thị Ngân Hà
  • Trưởng bộ môn Nguyên lý kế toán, GVCH khoa KTKT.
  • Lĩnh vực nghiên cứu là kế toán.
  • Công trình nghiên cứu đã đăng trong năm 2016:

ü   Giới thiệu IFRS vào chương trình đào tạo ngành kế toán của các trường ĐH Việt Nam. Đăng kỷ yếu hội thảo do Bộ Tài chính - ACCA - VAA phối hợp tổ chức ngày 21/12/2016.

ü  Email: doanhthinganha@gmail.com

3. Ths. Nguyễn Thị Bích Tuyền
  • Bộ môn Nguyên lý kế toán, GVCH khoa KTKT.
  • Lĩnh vực nghiên cứu là kế toán (chuyên kế toán quốc tế).
  • Công trình nghiên cứu đã đăng trong năm 2016:

ü  Giới thiệu IFRS vào chương trình đào tạo ngành kế toán của các trường ĐH Việt Nam. Đăng kỷ yếu hội thảo do Bộ Tài chính - ACCA - VAA phối hợp tổ chức ngày 21/12/2016.

ü  Email: tuyennguyenkt06@gmail.com

Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – Bài của TS. Nguyễn Cửu Đỉnh * Ths. Doanh Thị Ngân Hà * Ths. Nguyễn Thị Bích Tuyền

Xem thêm
Kế toán Việt Nam 30 năm tiếp tục đổi mới và phát triển

Kế toán Việt Nam 30 năm tiếp tục đổi mới và phát triển

Sử dụng kỹ thuật thu thập bằng chứng trong hoạt động kiểm toán (Techniques for evidence collection in auditing activities)

Sử dụng kỹ thuật thu thập bằng chứng trong hoạt động kiểm toán (Techniques for evidence collection in auditing activities)

Phát triển nguồn lực kế toán, kiểm toán chất lượng cao

Phát triển nguồn lực kế toán, kiểm toán chất lượng cao

Hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu của Ngân hàng Thương mại Việt Nam

Hoạt động đầu tư kinh doanh trái phiếu của Ngân hàng Thương mại Việt Nam

Các yếu tố tác động đến chất lượng hoạt động kiểm toán độc lập

Các yếu tố tác động đến chất lượng hoạt động kiểm toán độc lập

Đối tác
HAA
ACCA
CPA AUSTRALIA
ICAEW
Quảng cáo
PACE
Fast Accounting Online
CIMA
RSM DTL Auditing – Member RSM network
Tổng công ty du lịch Sài Gòn | Saigontourist
Smart Train
CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN & TƯ VẤN CHUẨN VIỆT
Đại Học Ngân Hàng - Thành Phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh