- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống Kiểm soát Nội bộ tại các Tập đoàn kinh tế ở các nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho VN
- Môi trường pháp lý về dịch vụ kiểm toán độc lập ở Việt Nam
- Phương pháp hạch toán chi phí sản xuất kinh doanh dở dang trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo Thông tư số 133/2016/TT-BTC
- Vận dụng kế toán trách nhiệm vào công tác quản trị doanh nghiệp
- Sự cần thiết áp dụng Kế toán Môi trường trong Kế toán Việt Nam
Bàn về một số thay đổi trong quy định hiện hành liên quan đến kế toán giao dịch cổ phiếu
|
Bài viết, đề cập đến một số thay đổi trong quy định hiện nay, liên quan đến kế toán giao dịch cổ phiếu (CP). Đứng từ cả 2 phía, nhà đầu tư và bên phát hành, trong đó chủ yếu bàn về cách thức phân loại hoạt động ĐTTC, kế toán khoản cổ tức việc ghi nhận nghiệp vụ chi trả cổ tức CP ưu đãi, trường hợp phát hành CP từ các nguồn khác hay việc ghi nhận nghiệp vụ phát hành CP và trình bày thông tin về CP, phát hành trên bảng cân đối kế toán của đơn vị. Bên cạnh đó, bài viết cũng đưa ra một số bàn luận và hướng gợi mở cách thức xử lý trong một số trường hợp, để các quy định của kế toán Việt Nam tiệm cận gần hơn với thông lệ kế toán quốc tế.
Giới thiệu
Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc gia nhập các tổ chức này, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) tham gia vào thị trường của các nước trong khu vực cũng như toàn cầu. Bên cạnh thuận lợi thì việc gia nhập này cũng tạo ra nhiều thách thức đối với các DN, trong đó có thách thức về việc hội nhập kế toán để thông tin kế toán tạo ra được công nhận rộng rãi và thực sự trở thành ngôn ngữ chung của các quốc gia, quy định của kế toán cũng liên tục được bổ sung, chỉnh sửa và có những bước tiến mới, có thể thấy rõ sự cải tiến này qua việc ban hành Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015; Thông tư 200/2014/TT-BTC, ngày 22/12/2014 (sau đây gọi tắt là TT 200) hướng dẫn Chế độ kế toán DN cùng một số Thông tư chỉnh sửa, bổ sung văn bản này (như Thông tư 75/2015/TT-BTC, ngày 18/05/2015, Thông tư 53/2016/TT-BTC, ngày 21/03/2016). Trong phạm vi bài viết, xin được đề cập đến một số thay đổi trong quy định hiện hành liên quan đến kế toán giao dịch CP, đứng từ cả 2 phía nhà đầu tư và bên phát hành, đồng thời đưa ra một số nhận định về vấn đề này.
Kế toán hoạt động đầu tư CP
Về cách thức, Phân loại hoạt động đầu tư tài chính (ĐTTC) thì TT200 phân loại hoạt động ĐTTC dựa trên mục đích đầu tư (chứ không phân loại chủ yếu dựa trên thời hạn thu hồi như trước đây), theo đó có các hình thức đầu tư chủ yếu là: Đầu tư vào chứng khoán kinh doanh (TK121), đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (TK128), đầu tư vào công ty con (TK221), đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh (TK222), và đầu tư khác (TK228). Việc thay đổi cách phân loại, thiết kế lại hệ thống TK như trên đảm bảo công tác kế toán các khoản ĐTTC như trên, phần nào phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay (theo quy định tại IAS 28 “Đầu tư vào liên kết, liên doanh”, IAS32 “Công cụ tài chính: Trình bày”, và IAS 39 “Công cụ tài chính: ghi nhận và đo lường”, sẽ được thay thế bởi IFRS 9 “Công cụ tài chính”, có hiệu lực từ 01/01/2018).
Về kế toán khoản cổ tức, lợi nhuận được chia từ hoạt động ĐTTC, TT 200 nêu rõ 2 trường hợp: Đối với công ty Nhà nước không nắm giữ 100% vốn điều lệ thì không ghi nhận tăng giá trị khoản đầu tư và doanh thu hoạt động tài chính, mà chỉ ghi tăng số lượng CP DN nắm giữ trên thuyết minh BCTC. Đối với công ty Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì thực hiện theo quy định của pháp luật, áp dụng cho loại hình DN do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, TT 200 cũng lưu ý đến việc ghi nhận cổ tức trong trường hợp cổ phần hóa (CPH) DN Nhà nước như sau: Khi xác định giá trị DN để CPH, nếu các khoản đầu tư vào đơn vị khác đã được đánh giá tăng tương ứng với phần sở hữu của DN CPH trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty được đầu tư, DN CPH phải ghi tăng vốn Nhà nước theo quy định của pháp luật. Sau đó, khi nhận được phần cổ tức, lợi nhuận đã dùng để đánh giá tăng vốn Nhà nước, DN CPH không ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính mà ghi giảm giá trị khoản đầu tư. Với những hướng dẫn hết sức cụ thể này, các DN đã tháo gỡ được những khúc mắc trước đây và có được cách để xử lý thống nhất đối với các giao dịch liên quan đến vấn đề này.
Bên cạnh đó, liên quan đến kế toán đầu tư vào CP còn có một số điểm mới như: TT 200 thay đổi về cách thức sử dụng TK khi thực hiện kế toán dự phòng và đánh giá tổn thất các khoản ĐTTC. Trong trường hợp, có bằng chứng cho thấy CP đầu tư bị giảm giá, kế toán sử dụng TK 229 “Dự phòng tổn thất tài sản” (TK 2291 “Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh” hoặc TK 2292 “Dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác”); Hay trong TT 53 (sửa đổi TT 200) quy định khi thanh lý, nhượng bán chứng khoán kinh doanh (tính theo từng loại chứng khoán), giá vốn của chứng khoán kinh doanh được xác định theo một trong các phương pháp nhập trước xuất trước hoặc bình quân gia quyền.
Kế toán hoạt động phát hành CP
Về ghi nhận nghiệp vụ phát hành CP, nội dung TT 200 đã có sự tiến bộ trong việc ghi nhận theo đúng bản chất kinh tế của các đối tượng, tách biệt giữa CP ưu đãi và CP phổ thông. Đồng thời, đi sâu vào việc phân loại CP ưu đãi khi trình bày trên BCTC, thể hiện theo Vốn chủ sở hữu và Nợ phải trả. Theo đó, DN phải kế toán chi tiết riêng 2 loại CP ưu đãi: CP ưu đãi được phân loại là vốn chủ sở hữu, nếu bên phát hành không có nghĩa vụ phải mua lại CP ưu đãi đó. Và CP ưu đãi được phân loại là nợ phải trả, nếu bắt buộc bên phát hành phải mua lại CP ưu đãi đó, tại một thời điểm đã được xác định trong tương lai và nghĩa vụ mua lại CP phải được ghi rõ, ngay trong hồ sơ phát hành tại thời điểm phát hành CP. Chính nhờ sự tách biệt này, đã giúp việc trình bày thông tin kế toán trung thực hơn, người sử dụng thông tin nắm được chi tiết giá trị mệnh giá của CP ưu đãi và CP phổ thông. Tuy nhiên, trong Thông tư này, chưa đưa ra định nghĩa cụ thể cho CP ưu đãi mà chỉ tập trung phân loại theo tiêu thức DN có nghĩa vụ mua lại CP đó hay không.
Về việc ghi nhận nghiệp vụ trả cổ tức CP ưu đãi, kế toán phải phân loại khoản cổ tức ưu đãi phải trả theo bản chất của CP ưu đãi với nguyên tắc: Nếu CP ưu đãi được phân loại là nợ phải trả, kế toán không ghi nhận cổ tức phải trả từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối mà ghi là chi phí tài chính. Còn nếu CP ưu đãi được phân loại là vốn chủ sở hữu thì khoản cổ tức ưu đãi phải trả được kế toán tương tự như việc trả cổ tức của CP phổ thông. Quy định này được đưa ra cho thấy, kế toán Việt Nam xử lý ngày càng chú trọng đến bản chất của giao dịch chứ không phải ghi nhận theo hình thức phát sinh nghiệp vụ, đây cũng chính là một trong những nguyên tắc mà chuẩn mực kế toán quốc tế hướng đến.
Thêm vào đó, TT 200 còn quy định bổ sung trường hợp phát hành CP từ các nguồn khác (như thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng, Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối,...) và trường hợp phát hành CP để đầu tư vào DN khác.
Ngoài ra, tiếp nối một số bước tiến kể trên, khi trình bày thông tin về CP phát hành trên bảng cân đối kế toán, CP ưu đãi được phân loại và trình bày tách riêng 2 phần là Vốn chủ sở hữu (tại chỉ tiêu 411a) và Nợ phải trả (tại chỉ tiêu 342). Đồng thời, TT 200 còn quy định thêm một số nội dung về chỉ tiêu lãi cơ bản trên CP và bổ sung chỉ tiêu Lãi suy giảm trên CP, nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, Lãi cơ bản trên CP được trình bày trên báo cáo tài chính (BCTC) của công ty cổ phần là DN độc lập. Đối với công ty mẹ là công ty cổ phần, chỉ tiêu này chỉ được trình bày trên BCTC hợp nhất, không trình bày trên BCTC riêng của công ty mẹ. Về công thức tính lãi cơ bản trên CP, TT 200 nêu rõ: Nếu quỹ khen thưởng phúc lợi được trích từ lợi nhuận sau thuế, thì kế toán cần loại trừ số trích quỹ khen thưởng phúc lợi ra khỏi lợi nhuận phân bổ cho cổ đông sở hữu CP phổ thông, quy định này giúp chỉ tiêu Lãi cơ bản trên CP được tính toán chính xác hơn.
Một số bàn luận
Trước hết, có thể thấy, cách phân loại các khoản đầu tư theo TT 200 chưa thực sự thống nhất với TT 210/TT-BTC, ban hành ngày 06/11/2009 về hướng dẫn áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, về trình bày BCTC và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính tại Việt Nam (tức là chưa thống nhất với chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 39 “Công cụ tài chính”). Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đưa ra hướng mở là, DN được quyền lựa chọn kế toán công cụ tài chính (đối với khoản đầu tư nắm giữ dưới 20% tỷ lệ quyền biểu quyết) theo TT 200 của Việt Nam hoặc theo chuẩn mực quốc tế (được hướng dẫn bởi TT 210).
Bên cạnh đó, quy định hiện nay vẫn chưa đề cập đến việc hoán đổi hình thức đầu tư trong một số trường hợp như giữa chứng khoán kinh doanh và đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, hay trong trường hợp DN vì lý do nào đó có thể bán trước hạn các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Điều này có thể gây lúng túng cho DN, khi có tình huống xảy ra trên thực tế và dẫn đến cách xử lý không thống nhất ở các DN khác nhau trong trường hợp này.
Ngoài ra, theo chuẩn mực kế toán quốc tế và hướng dẫn trong TT 210, phương pháp giá trị hợp lý được sử dụng cho việc kế toán các khoản đầu tư chứng khoán thương mại, vì chúng sẽ được bán trong tương lai gần theo giá trị thị trường hiện hành. Điều này cũng có nghĩa là, vào cuối kỳ kế toán, kế toán sẽ thực hiện các bút toán điều chỉnh khoản đầu tư ngắn hạn này theo giá trị thị trường tại ngày lập bảng cân đối kế toán và chênh lệch này, sẽ tạo nên một khoản lãi / lỗ chưa thực hiện trên báo cáo kết quả kinh doanh. Trong khi, kế toán Việt Nam vẫn tôn trọng nguyên tắc giá gốc đối với khoản đầu tư. Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc thận trọng, cuối kỳ, nếu giá thị trường của khoản đầu tư thấp hơn giá gốc thì kế toán sẽ thực hiện việc lập dự phòng và ghi nhận một khoản chi phí tài chính trên báo cáo kết quả kinh doanh, đến kỳ sau nếu giá CP tăng thì kế toán sẽ hoàn nhập lại để điều chỉnh giảm chi phí. Thiết nghĩ, vấn đề đưa giá trị hợp lý vào áp dụng tại thị trường Việt Nam nói chung và áp dụng đối với các khoản đầu tư nói riêng vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn, trong đó rào cản lớn nhất vẫn là các điều kiện cơ sở hạ tầng kế toán, thị trường tài chính vẫn chưa phát triển đồng bộ, gây khó khăn cho việc xác định giá trị hợp lý một cách đáng tin cậy. Mới đây, sau khi TT 200 được đưa vào áp dụng, nhiều DN đã gặp phải khó khăn khi xác định giá trị hợp lý của các khoản ĐTTC. Giải đáp vấn đề này, Bộ Tài chính đã có Công văn số 12568/BTC- CĐKT, ngày 09/09/2015 giải thích một số nội dung quy định tại TT 200, trong đó nêu rõ: Khi xác định giá trị hợp lý của chứng khoán kinh doanh để trình bày trên thuyết minh BCTC, DN có thể căn cứ vào giá trị thị trường của các loại chứng khoán mà DN đang nắm giữ. Đối với các khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị chưa niêm yết, giá trị hợp lý của các khoản đầu tư này được xác định dựa trên các kỹ thuật định giá. Trường hợp, nếu giá trị hợp lý của các khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác không xác định được một cách đáng tin cậy thì DN giải trình lý do trên thuyết minh BCTC (tại Mục 2c, Phần VI về thông tin bổ sung cho Khoản Mục ĐTTC).
Một vấn đề nữa muốn đề cập, đó là, đứng ở góc độ là bên phát hành, hiện nay TT 200 chỉ cho phép công ty cổ phần, cũng như các loại hình DN khác, ghi nhận vốn chủ sở hữu theo số thực góp, không bao gồm phần vốn cam kết nhưng chưa góp. Tức là, khi phát hành CP sẽ ghi nhận vốn đầu tư của chủ sở hữu theo giá phát hành và tăng tài sản thu về tương ứng. Trong khi, chuẩn mực kế toán quốc tế cho phép kế toán ghi nhận vốn chủ sở hữu bao gồm cả phần nghĩa vụ của các cổ đông góp vào nhưng chưa thực góp, thông qua hướng dẫn cụ thể về các trường hợp phát hành cổ phần bằng việc đặt mua (ghi nhận tăng vốn góp và tăng một khoản phải thu). Thiết nghĩ, trong tương lai, khi đã xây dựng được một hành lang pháp lý hoàn chỉnh hơn, có những ràng buộc chặt chẽ hơn và thị trường tài chính có những bước phát triển cao hơn, thì kế toán Việt Nam cũng cần ban hành hướng dẫn thêm về những trường hợp này để phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, giúp đa dạng hóa cách thức huy động vốn của công ty cổ phần.
Trên đây là một số quy định khá mới liên quan đến kế toán giao dịch CP, xét từ góc độ nhà đầu tư và bên phát hành, đồng thời tác giả mạn phép đưa ra một số nhận định riêng về vấn đề này. Tuy nhiên, vấn đề tổng hợp cách thức hạch toán các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến đầu tư và phát hành CP, sẽ được trình bày trong một bài viết khác./.
Tài liệu tham khảo
- Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015.
- TT 200/2014/TT-BTC, ngày 22/12/2014.
- TT 75/2015/TT-BTC, ngày 18/05/2015.
- TT 53/2016/TT-BTC, ngày 21/03/2016.
- TT 210/TT-BTC, ngày 06/11/2009.
- http://www.iasplus.com/en/publications/global/ifrs-in-your-pocket/2015
- http://www.iasplus.com/en/publications/global/ifrs-in-focus/2016/ifrs-9.
Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – Bài của TS. Trần Thị Thanh Hải * Trường Đại học Kinh tế TP.HCM