- Cơ sở kế toán trong Kế toán hành chính sự nghiệp ở Việt Nam
- Lý thuyết khung áp dụng trong các nghiên cứu công bố thông tin trong báo cáo tài chính
- Kiểm toán viên độc lập đối với việc phát hiện gian lận và sai sót trong kiểm toán báo cáo tài chính
- Chặng đường 10 năm Dịch vụ kế toán Việt Nam
- Khó khăn, thách thức trong đào tạo IFRS tại các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam
Ảnh hưởng của các nhân tố tới tổ chức Kiểm toán Báo cáo tài chính do Kiểm toán Độc lập thực hiện
|
Tổ chức kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) chính là tổ chức hệ thống toàn bộ các công việc cho một cuộc kiểm toán, từ khi bắt đầu cuộc kiểm toán cho tới khi hoàn tất việc cung cấp dịch vụ kiểm toán. Trong nền kinh tế thị trường, luôn tồn tại sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp (DN). Các doanh nghiệp kiểm toán (DNKT) muốn tồn tại và phát triển, phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán. Để nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán cung cấp cho khách hàng thì các DNKT phải nhận thức rõ tầm quan trọng, trong việc tổ chức công tác kiểm toán.
Khi tổ chức công tác kiểm toán BCTC, Kiểm toán viên (KTV) và DNKT cần xem xét các nhân tố ảnh hưởng, để tổ chức cuộc kiểm toán BCTC khoa học, hợp lý và tuân thủ Chuẩn mực kiểm toán (CMKiT). Các nhân tố này, bao gồm nhân tố thuộc về DNKT như: Quy mô DN, nhận thức, quan điểm của nhà quản lý DN, nhân tố thuộc về nguồn nhân lực,... và các nhân tố khách quan bên ngoài như: Môi trường pháp lý, nhân tố thuộc về người sử dụng thông tin, rủi ro tiềm tàng và rủi ro kiểm soát của đơn vị được kiểm toán.
Tổ chức kiểm toán BCTC được hiểu là việc sắp xếp, bố trí công việc, tổ chức vận dụng phương pháp, cách thức kiểm toán, tổ chức sử dụng phương tiện và kỹ thuật cũng như nguồn lực, nhằm đảm bảo các chức năng và nhiệm vụ của kiểm toán BCTC theo quy định của CMKiT.
Thông thường, tổ chức kiểm toán BCTC gồm các công việc: Tổ chức nguồn nhân lực kiểm toán; Tổ chức quy trình kiểm toán; Tổ chức kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán; Tổ chức hoàn thiện và quản lý hồ sơ kiểm toán.
Trong thực tế, có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới tổ chức kiểm toán BCTC. Các DNKT phải nắm rõ các nhân tố này, để đảm bảo chất lượng của cuộc kiểm toán BCTC. Các nhân tố này, bao gồm nhân tố thuộc về DNKT và các nhân tố khách quan bên ngoài.
Các nhân tố thuộc về DNKT như quy mô DN, nhận thức, quan điểm của nhà quản lý và nguồn nhân lực kiểm toán có tác động và chi phối tới tổ chức lực lượng nhân sự, phương pháp vận dụng, nội dung công việc trong tổ chức kiểm toán BCTC.
Một DNKT có quy mô lớn sẽ có số lượng KTV hành nghề và nhân viên chuyên nghiệp lớn, vì vậy DNKT sẽ dễ dàng trong việc sắp xếp và bố trí nhân sự cho cuộc kiểm toán. Ngược lại, đối với những DNKT có quy mô nhỏ và vừa, số lượng nhân sự không đáp ứng đủ, dẫn tới một chủ nhiệm kiểm toán hoặc một KTV có thể đảm nhiệm nhiều khách hàng cùng một lúc, hoặc không đủ KTV có kinh nghiệm giám sát công việc của các thành viên khác. Do vậy, sẽ gặp khó khăn trong việc tổ chức nhân sự cho cuộc kiểm toán.
Đối với những DNKT có quy mô lớn, nếu quan điểm của Ban giám đốc hướng tới mục tiêu phát triển bền vững thì KTV thường thực hiện đầy đủ các giai đoạn của cuộc kiểm toán. Ngược lại, với những DNKT có quy mô nhỏ, không đầy đủ nguồn nhân lực hoặc ban giám đốc chạy theo lợi nhuận thường có xu hướng cắt giảm các bước công việc trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán và kết thúc kiểm toán, đặc biệt là trong giai đoạn xem xét và chấp nhận duy trì khách hàng được thực hiện qua loa và thiếu chặt chẽ. Các thủ tục cần thiết ở giai đoạn kết thúc kiểm toán như: Xem xét các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc niên độ, xem xét các khoản nợ tiềm tàng,... thường bị bỏ qua.
Các DNKT có quy mô lớn mà ban giám đốc chú trọng đến chất lượng cuộc kiểm toán thì thường tổ chức tốt tài liệu, hồ sơ kiểm toán theo đúng quy định. Ngược lại, các DNKT có quy mô nhỏ và vừa hoặc Ban giám đốc DNKT không nghiêm khắc, không chú trọng thì hồ sơ kiểm toán thường được tổ chức một cách sơ sài, nhiều giấy tờ làm việc bị bỏ qua.
Các DNKT có quy mô lớn thường chú trọng tổ chức vận dụng quy trình và phương pháp kiểm toán một cách đầy đủ hợp lý. Tuy nhiên, đối với các DNKT quy mô nhỏ hoặc mức độ chuyên sâu đối với kiểm toán BCTC không cao sẽ không thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán, phương pháp kiểm tra đánh giá rủi ro ở bước chấp nhận duy trì khách hàng và lập kế hoạch kiểm toán có thể không được chú trọng.
Đây là nhân tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới tổ chức cuộc kiểm toán BCTC. Quan điểm nhận thức của Ban giám đốc có ảnh hưởng và chi phối nhiều đến việc tổ chức vận dụng phương pháp thủ tục kiểm toán trong cuộc kiểm toán BCTC. Nếu Ban giám đốc DNKT chú trọng đến chất lượng của kiểm toán thì thường tổ chức triển khai một cuộc kiểm toán BCTC, phù hợp với quy định pháp lý hiện hành. Nếu Ban giám đốc DNKT có quan điểm vì lợi nhuận thì họ có thể lơ là hoặc cắt bớt các thủ tục kiểm toán, không chú trọng phương pháp kiểm toán mà thường chỉ tập trung kiểm tra chi tiết những khoản mục có giá trị lớn.
Nhân tố chính ảnh hưởng tới chất lượng cuộc kiểm toán BCTC của các DNKT là đội ngũ nhân sự, hay chính là KTV. Nếu KTV và những người có liên quan đến cuộc kiểm toán BCTC có trình độ chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp sẽ thực hiện đầy đủ các phương pháp kiểm toán, thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, để là cơ sở đưa ra ý kiến nhận xét phù hợp. Do đó, cần nâng cao trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của các KTV. Bên cạnh đó, các KTV và DNKT cần thường xuyên cập nhật những thay đổi trong các quy định pháp lý về kế toán, kiểm toán để từ đó sửa đổi, bổ sung vào công tác kiểm toán cho phù hợp.
Các nhân tố bên ngoài, bao gồm: Nhân tố thuộc về môi trường pháp lý, nhân tố thuộc về người sử dụng thông tin, rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát và các nhân tố khác có những tác động trực tiếp và gián tiếp, đến tổ chức công tác kiểm toán BCTC của các DNKT.
Các nhân tố thuộc về môi trường pháp lý như quản lý của Nhà nước có ảnh hưởng tới tổ chức công tác kiểm toán BCTC bao gồm: Các quy định pháp lý và công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan Nhà nước và Hiệp hội nghề nghiệp.
ở Việt Nam chưa có các quy định và hướng dẫn cụ thể về tổ chức công tác kiểm toán BCTC, mà chỉ có một hệ thống các văn bản pháp quy chi phối ảnh hưởng đến nội dung, phương pháp và nguồn nhân lực thực hiện tổ chức công tác kiểm toán BCTC. Các quy định pháp lý bao gồm Luật Kiểm toán độc lập, Chuẩn mực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp và các quy định pháp lý khác có liên quan. Các quy định này, ảnh hưởng tới tổ chức công tác kiểm toán BCTC của DNKT trên các khía cạnh cụ thể.
Mối quan tâm của người sử dụng thông tin đối với BCTC có sự khác nhau, tùy thuộc vào mục đích sử dụng thông tin. Tuy nhiên, người sử dụng thông tin đều cần một BCTC trung thực hợp lý. Chính vì vậy, khi tổ chức cuộc kiểm toán BCTC, KTV và DNKT cần chú ý lựa chọn những nhân sự có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp phù hợp, để tiến hành cuộc kiểm toán khoa học, hợp lý, đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ.
Rủi ro tiềm tàng: phụ thuộc vào đặc điểm của đơn vị được kiểm toán như: Khu vực hoạt động, loại hình sở hữu và bộ máy quản trị, cơ cấu tổ chức, đặc điểm sản xuất kinh doanh, bản chất của hệ thống kế toán,... Mức rủi ro tiềm tàng mà KTV dự kiến cao hay thấp, sẽ chi phối tới tổ chức nhân sự và phương pháp, nội dung của kiểm toán. Thông thường, các DNKT sẽ lựa chọn các KTV có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao, đối với những khách hàng có mức rủi ro tiềm tàng cao. Phạm vi kiểm toán cũng phụ thuộc vào đánh giá của KTV về rủi ro tiềm tàng. Nếu rủi ro tiềm tàng được đánh giá cao, KTV sẽ tập trung vào các thử nghiệm cơ bản. Ngược lại, nếu rủi ro tiềm tàng được đánh giá là thấp thì KTV sẽ tập trung vào các thử nghiệm kiểm soát, để thu thập các bằng chứng về tính hữu hiệu của KSNB.
Rủi ro kiểm soát: Tính thích hợp và hiệu quả của kiểm soát nội bộ càng yếu kém thì rủi ro kiểm soát càng cao, mức độ gian lận và sai sót trên BCTC là lớn. Vì vậy, trên cơ sở đánh giá về rủi ro kiểm soát, KTV phải thực hiện cuộc kiểm toán sao cho có thể phát hiện được các sai sót trọng yếu, từ đó đảm bảo rủi ro kiểm toán ở mức chấp nhận được. Cũng như rủi ro tiềm tàng, rủi ro kiểm soát cao hay thấp sẽ là cơ sở để KTV tổ chức nhân sự, phương pháp và nội dung công việc kiểm toán cần thực hiện. Nếu KTV đánh giá rủi ro kiểm soát ở mức cao, thì cuộc kiểm toán cần các KTV có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao, đồng thời tăng cường các thử nghiệm cơ bản.
Khi tổ chức công tác kiểm toán BCTC, KTV và DNKT, cần xem xét các nhân tố ảnh hưởng, để tổ chức cuộc kiểm toán BCTC khoa học, hợp lý và tuân thủ CMKiT./.
Tài liệu tham khảo
- Học viện Tài chính (2009), Giáo trình Lý thuyết Kiểm toán, NXB Tài chính.
- Học viện Tài chính (2012), Giáo trình Tổ chức quá trình Kiểm toán Báo cáo Tài chính, NXB Tài chính.
Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – Bài của ThS. Nguyễn Thị Thanh Phương – Học viện Tài chinh.